Chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS là một trong những giải pháp vô cùng quan trọng để phòng chống HIV/AIDS, đã thực hiện từ rất lâu, tuy đạt được một số kết quả về nhận thức và từ các văn bản quy định của pháp luật; nhưng trên thực tế, điều này vẫn còn phải tiếp tục vận động mọi người thực hiện, ngay cả chính những người nhiễm HIV/AIDS. Các chủ đề về Ngày thế giới phòng, chống AIDS (01/12) hàng năm đều hướng về việc kêu gọi mọi người quan tâm, chia sẻ những khó khăn, khổ sở của người nhiễm HIV/AIDS để qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, dự phòng lây nhiễm HIV, điều trị, chăm sóc hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, dân tộc, tôn giáo, sở thích… | |
Vận động chống kỳ thị |
Năm 2010, tại một hội nghị quốc tế về phòng chống HIV/AIDS, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã cam kết sẽ thúc đẩy các hoạt động nhằm thực hiện một Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu phấn đấu đạt được mục tiêu chung vào năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 là “Hướng đến các mục tiêu bằng không” (Getting to zero); cụ thể là: “Hướng tới mục tiêu ba không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”. Mục tiêu này đã cụ thể hóa mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc đã đặt ra là: “Hạn chế, từng bước tiến tới chấm dứt lây nhiễm HIV/AIDS vào năm 2015”. Đây là mục tiêu tuyệt vời cho một thế giới ổn định và phát triển nhằm nâng cao chất lượng sống của con người, nhưng thật sự là mục tiêu rất khó khăn trong thực hiện bởi vì vẫn còn quá nhiều thách thức trong lĩnh vực công tác này, nhất là mục tiêu không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
Chia sẻ và cảm thông
Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã 30 năm đương đầu với HIV/AIDS, nhiều thành tựu đã đạt được trong phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS vẫn còn tồn tại khá phổ biến tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia vẫn còn những quy định cấm những người nhiễm HIV nhập cảnh và cư trú hoặc tồn tại tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành giới liên quan đến HIV/AIDS... Kỳ thị và phân biệt đối xử tiếp tục là nguyên nhân hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS cũng như là những rào cản đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học hành, lao động v.v…đã được pháp luật các quốc gia quy định.
Tại Việt
Chúng ta biết rằng, một người khi nhiễm HIV sẽ có cuộc sống thực sự thay đổi, nó đòi hỏi người đó phải có nghị lực rất lớn. Họ biết mình sẽ mất sớm hơn người khác. Do đó mà ngay cả khi còn sống khoẻ mạnh, họ cũng luôn phải đấu tranh với bản thân để quên đi ý nghĩ về cái chết. Gia đình chắc sẽ rất buồn khi biết họ bị nhiễm. Người ngoài thì có thể có nhiều phản ứng rất khác nhau. Người tốt bụng và nhân ái thì cảm thông, chia sẻ, nhưng cũng có người thiếu hiểu biết sẽ xa lánh, thậm chí miệt thị họ. Đời sống tình cảm rất khó khǎn. Nếu độc thân thì họ sẽ khó lập gia đình. Nếu có gia đình rồi thì họ phải luôn cẩn thận tránh lây virus cho bạn đời và con cái. Có thể họ sẽ không có con, hoặc nếu sinh con thì con họ có khả nǎng nhiễm virus. Khi họ mất thì bạn đời sẽ cô độc, con cái phải chịu thiếu cha hoặc mẹ. Sống với virus HIV không hề dễ dàng.
Đã có rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn, đau khổ liên quan đến HIV/AIDS khi chẳng may một người hoặc gia đình của họ có người bị nhiễm HIV/AIDS. Tại Lạng Sơn, một cụ bà ở tuổi “xưa nay hiếm” vất vả, chạy vạy nuôi hai đứa cháu nội, sau khi con trai chết vì AIDS, một tháng sau con dâu cũng chết vì AIDS. Tại Tiền Giang và Thành phố HCM đã có trường hợp trẻ nhiễm HIV/AIDS bị nhà trường từ chối vì phụ huynh các bé khác phản ứng. Tại một Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại TP HCM có không ít trường hợp cả cha, mẹ bé đều chết do căn bệnh AIDS; bé vào Trung tâm khi còn rất nhỏ, có những bé nhiễm HIV/AIDS chỉ vài tháng tuổi. Những hình ảnh sinh hoạt nơi đây khiến cho nhiều người phải rơi nước mắt; có bé chơi đùa với những chú gấu bông, có 2 đứa trẻ đút bánh cho nhau hồn nhiên như bao đứa trẻ khác. Tâm sự với mọi người về ước mơ của mình, một em bé đã nói thật đơn giản: “Con chỉ mong có cha, có mẹ giống các bạn trong trường, lớn lên con sẽ làm cô giáo...”. Ngoài ra, có những trẻ nhiễm HIV vừa sinh ra, thậm chí ngay khi còn nằm trong bụng mẹ đã bị tuyên án tử hình; chúng vô tội nhưng phải trả giá cho những sai lầm của cha mẹ; bị bỏ rơi hoặc mồ côi ngay khi vừa sinh ra, bị người đời xa lánh, cuộc đời những đứa trẻ bị lây nhiễm HIV từ cha mẹ dường như đã khép lại.
Chúng ta cần phải chung tay đấu tranh chống lại tư tưởng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, bởi vì HIV/AIDS là tình trạng bệnh lý, cần phải được quan tâm chia sẻ và chăm sóc, điều trị, chứ đó không phải là tệ nạn xã hội phải bị lên án, trừng trị. Chính vì vậy, chúng ta phải nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi để góp một phần vào việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, vừa tạo điều kiện phòng chống tốt một loại dịch bệnh để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình và xã hội, vừa hành động mang đậm tính nhân văn, đúng theo pháp luật quy định và đúng theo lương tâm của một con người./.