Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Nghề nuôi cá tra– khó khăn từ khâu giống
(Ngày đăng: 29/05/2012)

Hiện nay, nguồn cung cá giống trên thị trường giảm, cộng với việc thả giống lại đồng loạt của các hộ nuôi cá tra và doanh nghiệp đã làm cho cung vượt cầu và giá giống tăng cao. Tuy nhiên, vấn đề ở đây lại là hệ lụy của nó, vấn đề kiểm soát chất lượng con giống còn thả nổi trong khi thị trường cá tra giống đang “nóng” và con giống có dấu hiệu suy thoái.

Cung không đủ cầu

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), số lượng cơ sở sản xuất cá tra giống hiện nay đã giảm 82% so với năm 2009, chỉ có 175 cơ sở. Mặt khác, các cơ sở này cũng thu hẹp về diện tích so với các năm trước nên sản lượng cá tra giống sụt giảm nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lợi nhuận hoạt động sản xuất cá tra giống trong thời gian qua không còn hấp dẫn nông dân, thậm chí thua lỗ.

Ông Phan Văn Hai – nông dân chuyên ương và kinh doanh cá giống tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Mấy năm trước, cơ sở tôi chủ yếu ương và kinh doanh cá tra giống do chất lượng cá bột tốt, hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2008-2010, giá cá tra giống bấp bệnh, tỷ lệ ương đạt thấp, kinh doanh không còn hiệu quả nên tôi phải chuyển sang kinh doanh các loại cá giống khác như: cá trôi, cá trắng, …”.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 1 trung tâm giống của tỉnh, 5 trại của huyện và gần 40 cơ sở sản xuất trong dân, hằng năm cung cấp khoảng 1,3 tỉ con giống ra thị trường. Trong đó, chỉ khoảng 25% cơ sở có đăng ký kinh doanh, tổ chức sản xuất thường xuyên với diện tích lớn, sản lượng nhiều. Còn phần lớn các cơ sở còn lại sản xuất không ổn định, khi nào giá cá giống cao thì họ làm, còn khi giá cá giống thấp thì nghỉ. Riêng tại Tiền Giang, năm nay chỉ có 01 trại sản xuất cá tra bột (thuộc trung tâm giống của tỉnh) và khoảng 200 cơ sở ương cá tra giống với diện tích ương là 70 ha, giảm gần 40% so với năm 2008...

Việc thiếu hụt nguồn cá giống hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng cá tra trong thời gian tới, bởi nếu bắt đầu nuôi vỗ cá bố mẹ ngay tại thời điểm này thì phải đến tháng 8 tới mới có nguồn giống cung cấp cho thị trường. Ông Phan Hữu Hội – nông dân sản xuất và ương cá tra giống ở xã Long Định, huyện Châu Thành (Tiền Giang) cho biết: “Dù đã dự báo được tình hình giá cá tra giống nhưng đến nay tôi vẫn chưa có cá giống để bán. Hiện nay, cá của tôi chỉ khoảng 0,8 cm với hơn 1 tháng nuôi, vì vậy phải gần 2 tháng nửa thì tôi mới có cá bán ra thị trường”.

Do nguồn cá tra giống trên thị trường khan hiếm nên để tranh thủ có giống thả vào ao nuôi của mình, các nông dân nuôi cá tra đã tự nâng giá lên và bất chấp chất lượng giống như thế nào. Điều này, đã vô tình làm cho cá tra giống vốn đã “cung không kịp cầu” lại càng thêm “khan hiếm”, và khả năng dịch bệnh trên cá tra xảy ra sẽ càng cao.

Sốt giá nhưng vẫn lo

Gần 1 tháng nay, giá cá tra nguyên liệu trên thị trường liên tục được đẩy lên cao nên đã hấp dẫn người nuôi cá tra thả giống. Thêm vào đó, các doanh nghiệp chế biến cá tra có vùng nguyên liệu riêng cũng tranh thủ vụ nuôi mới để có nguồn nguyên liệu chế biến kịp cho các đơn hàng đã ký, nên mấy ngày qua thị trường cá tra giống vùng ĐBSCL sôi động trở lại. Mặt khác, thời gian dài trước đây giá cá tra giống giảm mạnh và không có người mua nên nhiều cơ sở ương giống đã tạm ngừng hoạt động, hoặc chuyển sang sản xuất các loại cá giống khác nên nguồn cá tra giống không còn nhiều. Vì thế khi người nuôi cá tra thịt đổ xô nuôi trở lại, chuyện thiếu con giống và giá tăng cao là điều tất yếu.

 Theo kết quả khảo sát tại các cơ sở kinh doanh cá tra giống ở Tiền Giang, cá giống cỡ từ 1,2-1,5 cm có giá từ 1.000-1.500 đồng/con, cá cỡ từ 1,5-2,0 cm có giá từ 1.500-2.000 đồng con. Đó là mức giá giống “cực nóng” ở vùng này, tuy nhiên đối với các tỉnh được xem là “vương quốc giống cá tra” thì giá cả cũng tăng nhanh không kém. Tại Đồng Tháp, cá cỡ 1,0-1,2cm có giá 450 - 500 đồng/con, tăng khoảng 80% so với tháng trước. Còn ở An Giang, giá còn tăng nóng hơn với cá cỡ 1,5-1,8cm có giá 1.200 đồng/con, cá loại 2cm lên đến 1.700 đồng/con.

Mặc dù, giá cá tra đang sốt từng ngày và thị trường khan hiếm, nhưng dường như các cơ sở sản xuất cá tra bột, ương giống không mặn mà lắm. Ông Nguyễn Thanh Liêm, chủ cơ sở ương cá tra giống ở thị trấn Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: “Giá cá tra giống hiện nay rất cao và hút hàng. Tuy nhiên, tôi cũng như những hộ ương cá tra giống khu vực này chưa dám đầu tư mạnh trở lại. Bởi đầu ra vẫn bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái, trong khi đó chi phí đầu vào như: chi phí cải tạo ao, thức ăn cho cá, vốn vay, chi phí vận chuyển … tăng từng ngày”.

Đồng tình ý kiến trên, một cán bộ ngành nông nghiệp Tiền Giang nói : “Chi phí đầu vào liên tục tăng, chu kỳ đồng vốn sản xuất, ương cá tra giống kéo dài tới 3-5 tháng. Đó là chưa kể kiểu sản xuất “hên xui”, vì hiện nay chưa có kênh thông tin nào có thể dự báo chính xác tình hình thị trường để nông dân mạnh dạn đầu tư”.

Chất lượng cá giống - vấn đề cần đặc biệt quan tâm

Trước đây, nhiều nhà chuyên môn đã từng cảnh báo cá tra giống ở ĐBSCL đang bị suy giảm về chất lượng với những hiện tượng như: cận huyết, có “vấn đề” về sắc tố da (da trắng, da hồng), tỉ lệ sống từ cá bột lên cá giống thấp (dưới 12%)... từ đó làm cá nuôi thịt chậm lớn, giảm sức đề kháng, gia tăng cơ hội nhiễm một số loại bệnh phổ biến như xuất huyết, trắng mang, trắng gan và nhất là bệnh gan, thận mủ... Mặt khác, theo kết quả khảo sát của trường Đại học Cần Thơ, thời gian qua đã có những vùng nuôi mà tỷ lệ cá tra nhiễm bệnh gần như 100%.

Do đó, với tình trạng cá tra giống sốt giá và khan hàng như hiện nay thì vấn đề chất lượng cá tra giống càng có nhiều điều đáng lo, bởi khi nhu cầu cá tra giống tăng đột biến thì không chỉ những cơ sở giống nhỏ lẻ, làm ăn chụp giựt mà cả những cơ sở có thương hiệu vì lợi nhuận họ cũng sẵn sàng thu gom cá giống ở mọi nơi mà họ không biết và không thể kiểm soát về chất lượng để bán nông dân nuôi cá.

Ông Nguyễn Minh Tâm - một thương lái cá giống ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) tiết lộ: “Nhiều cơ sở kinh doanh cá tra giống yêu cầu chỉ cần chỉ họ nguồn cá tra giống là họ trả huê hồng rất hậu, không cần phải ràng buộc yêu cầu chất lượng như trước đây”.

Theo các nhà khoa học, vấn đề này rất đang lo ngại, là một cản ngại lớn cho sự phát triển của nghề nuôi cá tra. Vì với tình hình hiện nay, để đảm bảo người nuôi cá có lời thì vấn đề giảm chi phí là rất quan trọng. Nhưng khi người nuôi gặp nguồn giống chất lượng thấp sẽ dẫn đến hao hụt nhiều, cá chậm lớn, chi phí tăng cao và dịch bệnh lan rộng.

Vấn đề này càng đáng lo ngại hơn, khi hệ thống kiểm soát chất lượng con giống thủy sản của cơ quan thú y các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc kiểm dịch con giống thủy sản chỉ mang tính hình thức, chưa thực sự kiểm tra được chất lượng con giống tại các cơ sở kinh doanh cũng như lưu thông trên thị trường, đặc biệt là từ khi chức năng kiểm dịch thủy sản được chuyển từ cơ quan quản lý thủy sản sang cơ quan thú y. Điển hình như tại Tiền Giang, theo phản ánh của nhiều chủ cơ sở kinh doanh cá giống trên địa bàn tỉnh, tuỳ theo từng cơ sở kinh doanh, cán bộ thú y có thể định kỳ hàng tuần hay hàng tháng đến cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho các lô cá giống đang lưu giữ tại cơ sở. Việc kiểm tra chỉ bằng “cảm quan”, hoàn toàn không có một phương tiện hỗ trợ như: kính hiển vi, kính lúp, … như đối với cơ quan quản lý thủy sản trước đây.

Nghề nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng bộc lộ nhiều điểm yếu, từ sự cạnh tranh thiếu lành mạnh ở thị trường xuất khẩu, khủng hoảng thiếu thừa nguyên liệu, … giờ đây lại tới vấn đề kiểm soát chất lượng con giống. Vì vậy, để phát triển bền vững nghề nuôi cá tra xuất khẩu, ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng cần có những giải pháp thật hiệu quả để giải quyết những bất cập còn tồn động, mà đặc biệt hiện nay là vấn đề kiểm soát chất lượng con giống và nâng cao chất lượng đàn cá bố mẹ.

 

Trong 3 năm từ 2010 - 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai dự án với kinh phí 350 tỉ đồng để phát triển 100.000 con cá tra, basa bố mẹ, cung cấp khoảng 5 tỉ con giống đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng đủ cho ngành nuôi cá tra, cá basa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, Viện nghiên cứu Thủy sản 2 đang gấp rút xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về giống cá tra, cá basa để chuyển đến các các Chi cục Thủy sản các tỉnh, đồng thời cho nhân giống đàn cá bố mẹ hậu bị - cá bố mẹ có thể sinh sản được ngay sau khi được chuyển giao cho các trại giống.

Cụ thể khoảng giữa năm 2011, Viện Thủy sản 2 sẽ chuyển giao cho các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long trước 50.000 cá bố mẹ hậu bị và chuyển giao tiếp 50.000 con nữa vào năm 2012./.

 

Thành Công
Tin liên quan