Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tôm thẻ chân trắng khẳng định vị thế trong xuất khẩu thủy sản
(Ngày đăng: 29/10/2013)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 9 tháng đầu năm 2013, tỷ trọng xuất khẩu (XK) tôm thẻ chân trắng đã vượt tôm sú, đưa giá trị XK tôm đạt giá trị 2 tỷ USD, cao gần gấp đôi so với cá tra và tăng trưởng 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã góp phần quan trọng đưa XK thủy sản Việt Nam đạt 4,8 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ trọng xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đã vượt tôm sú.

XK tôm thẻ chân trắng “bức phá”

Nếu tháng 1/2013, tôm chân trắng chỉ chiếm 37,8% trong cơ cấu tôm XK, còn tôm sú chiếm đến 51,3% thì đến hết tháng 9/2013, tỷ trọng XK tôm chân trắng đã chiếm 47,4%, cao hơn so với 45,7% của tôm sú. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường XK, nhiều doanh nghiệp tôm đã chủ động tăng tỷ lệ tôm chân trắng trong cơ cấu XK tôm, còn nông dân cũng tăng diện tích nuôi loại tôm này.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng đầu năm 2013, sản lượng tôm chân trắng tại nhiều địa phương đã vượt xa tôm sú; trong đó, sản lượng tôm chân trắng tại Sóc Trăng đạt 31.200 tấn, gấp 3 lần tôm sú; sản lượng tôm thẻ chân trắng tại Tiền Giang là 8.175,5 tấn, cao gấp hơn 7 lần tôm sú; sản lượng tôm chân trắng tại Bến Tre cũng đã gấp 2,5 lần tôm sú.

Trong 9 tháng đầu năm, cũng nhờ giá XK tăng cao hơn từ 2-4 USD/kg tùy từng thị trường, giá trị XK tôm của Việt Nam trong hầu hết các tháng tăng trưởng đến hai con số từ 19 - 66% so với cùng kỳ năm trước. Duy nhất trong tháng 2/2013, XK tôm giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2012. Tính đến hết tháng 9/2013, hầu hết  10 thị trường NK tôm lớn nhất Việt Nam đều có mức tăng trưởng dương khả quan so với cùng kỳ, trong đó, Mỹ tăng 62,6%; Nhật Bản tăng 12,8%, EU tăng 14,8%, Trung Quốc – Hong Kong tăng 42,8%, Hàn Quốc tăng 7,2%...

Dự báo từ nay đến cuối năm, XK tôm sang các thị trường chính sẽ thuận lợi: thị trường Mỹ - thị trường NK lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 26,3% cơ cấu XK thủy sản, khá ổn định; mặt hàng tôm sú sẽ có lợi thế tại thị trường Nhật Bản, tôm chân trắng sẽ được ưa chuộng hơn tại thị trường EU do nhu cầu tiêu thụ mạnh hơn vào cuối năm và giá cả phù hợp với khách hàng.

Các mặt hàng thủy sản khác sụt giảm

VASEP cho biết, tính đến hết tháng 9/2013, XK cá tra giảm nhẹ 1,4% và không ổn định khi có tới 4 tháng sụt giảm từ 1,4 - 39,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hai thị trường XK lớn nhất, chiếm đến 45% tổng giá trị XK, là Mỹ tăng nhẹ 2,2% và EU giảm đến 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng đầu năm, XK cá tra sang Mỹ ổn định, tuy nhiên từ tháng 8-9/2013 đã bắt đầu chững lại; trong khi đó, tháng 9, XK cá tra sang EU tăng nhẹ 3,4% so với cùng kỳ năm 2012 sau gần 1 năm sụt giảm liên tục.

Trong cơ cấu hải sản XK 9 tháng đầu năm nay, hầu hết các mặt hàng đều sụt giảm về giá trị, trong đó, mực, bạch tuộc giảm mạnh nhất và kỷ lục trong 3 năm trở lại đây 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái, XK cua ghẹ cũng giảm 12,3%, cá các loại giảm 5,7%, cá ngừ giảm 4,5%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ cũng giảm 4% so với cùng kỳ năm 2012. Từ nay tới cuối năm, XK nhuyễn thể sẽ tiếp tục giảm thêm và là năm thứ 5 XK mặt hàng này chìm dưới mức tăng trưởng âm.

 Nếu 9 tháng đầu năm ngoái, XK hải sản nhất là cá biển các loại và cá ngừ đã bù đắp cho cơ cấu XK thủy sản chung Việt Nam khi tăng trưởng đến hai con số từ 24 - 51% so với cùng kỳ năm ngoái thì 9 tháng đầu năm nay, hầu hết các sản phẩm hải sản XK đều khó khăn về thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu hải sản trong nước cũng không đáp ứng đủ cho các đơn hàng.  

Thành Công
Tin liên quan