Quy trình sản xuất giống cá bông lau nhân tạo vừa được Thạc sỹ Huỳnh Hữu Ngãi, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2) nghiên cứu thành công và triển khai nhân rộng cho cán bộ kỹ thuật và nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm góp phần khôi phục đàn cá tự nhiên, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, chủ động nguồn giống cho người nuôi thương phẩm và tạo ra hiệu quả kinh tế cho người sản xuất giống. | |
ca_bong_lau: Vuốt trứng cá bông lau cái (ảnh chụp ở làng bè Châu Đốc, tỉnh An Giang) |
Chọn cá bố mẹ
Cá bố mẹ được chọn ngoài tự nhiên từ các xuồng câu, chọn những cá thể khỏe mạnh, ít xây sát, giữ các cá trong bể có sục khí liên tục từ 3- 4 ngày cho cá khỏe hoàn toàn rồi vận chuyển đi nuôi thuần dưỡng. Cá được nuôi chung với một số loài cá háu ăn như cá chép, mè vinh với mật độ từ 5-10 kg/m3. Dùng thức ăn viên với hàm lượng đạm từ 28-30%, khẩu phần ăn hàng ngày từ 2-3%.
Sau đó tiến hành nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ trong bè đặt trên sông nước chảy. Bè nuôi vỗ cá bông lau bố mẹ có kích thướt 8x4x3 mét = 96m3, bè được đặt nổi và neo trên sông cố định, nơi có dòng chảy thẳng và liên tục. Nơi đặt bè không ảnh hưởng đến giao thông trên sông, nước sông nơi đặt bè không bị phèn, mặn, xa các cống nước thải và thuận lợi trong giao thông, vận chuyển thức ăn.
Cá bố mẹ chọn nuôi vỗ phải là những cá thể khỏe mạnh, ngoại hình cân đối, không bị dị hình, khối lượng từ 2,5 kg trở lên. Mật độ nuôi vỗ cá bố mẹ là 5 kg/m3 bè. Đánh số thứ tự cho cá bố mẹ bằng que nhọn đầu đánh số lên đầu của cá (dùng số thường đánh cho cá cái, số la mã đánh cho cá đực). Mùa vụ nuôi vỗ cá bố mẹ bắt đầu từ tháng 12 năm trước kéo dài đến giữa tháng 11 năm sau. Thời gian cá thành thục và bước vào sinh sản từ tháng 8, mùa cá đẻ kéo dài đến đầu tháng 11.
Thức ăn cho cá bố mẹ có thể sử dụng thức ăn hỗn hợp tự chế biến hoặc thức ăn công nghiệp. Đối với thức ăn tự chế, do thức ăn chìm nên mỗi ngày cho ăn 2 lần, còn thức ăn viên dạng nổi thì mỗi ngày chỉ cho ăn 1 lần vào buổi tối vì tập tính của cá bông lau rất nhát. Hàng ngày dựa vào nhu cầu ăn của cá để điều chỉnh tăng giảm lượng thức ăn cho hợp lý, không cho ăn quá nhiều hoặc thiếu.
Thường xuyên kiểm tra bè, sửa chữa những phần bị hư hỏng, gỡ bỏ rác bám quanh bè. Khi nước chảy yếu nên dùng máy bơm quạt nước để tăng thêm oxy hòa tan. Thường xuyên quan sát và phát hiện những biểu hiện không bình thường của cá để kịp thời xử lý.
Gieo tinh nhân tạo
Ở cá bông lau nhìn bên ngoài rất khó phân biệt đực cái. Khi đến mùa sinh sản mới có sự biểu hiện ra bên ngoài, cụ thể cá đực có lỗ sinh dục dạng hơi tròn lồi ra, còn cá cái lỗ sinh dục hơi lõm vào hơn so với cá đực.
Chọn cá đực là những cá thể khỏe mạnh, vuốt ở mặt bụng gần lỗ sinh dục có tinh màu trắng sửa chảy ra. Chọn cá cái là những cá thể có bụng to, dùng que thu trứng quan sát tế bào trứng khi thấy hạt trứng to, tương đối đồng đều, dễ tách rời nhau, đo kích thướt tế bào trứng phải đạt trung bình từ 1,3 mm trở lên, không có trứng non. Những năm qua do cá đực thành thục chưa tốt nên tỷ lệ đực cái nên chọn là 2:1 hoặc 3:1.
Cho cá đẻ trong bể xi măng có thể tích 3x5x1 mét =15 m3, mực nước sâu 0,8-1mét chứa từ 6-10 con cá bố mẹ có khối lượng trung bình 3,5 kg/con. Tuy nhiên, nếu có điều kiện thì thiết kế lót bạt dạng tròn, tạo nước chảy thành dòng liên tục thì cá sẽ khỏe hơn. Hay có thể cho cá đẻ trong bè khoảng 3x5x2 mét = 30 mét, ngăn làm đôi để chứa đực cái riêng, mỗi ngăn chỉ chứa tối đa 5 con cá.
Cá bông lau không đẻ tự nhiên trong bè do đó phải tiêm kích dục tố để kích thích cho cá rụng trứng. Sử dụng kích dục tố HCG kích thích cá sinh sản nhân tạo như cá tra, basa. Sử dụng phép tiêm nhiều lần cho cá cái để kích thích tế bào trứng hấp thu được chất kích thích làm tăng kích thướt đường kính trứng đến mức tối đa vì đây là loài cá của sông Mêkông có đường di cư dài nên chúng cần được tiêm nhiều lần dẫn với thời gian dài để cho tế bào trứng được chín đồng đều hơn.
Trong 3 - 5 liều dẫn đầu tiên sử dụng kích dục tố HCG ở mức bằng nhau 500UI/kg, khoảng cách giữa các lần tiêm là 24 giờ. Khi trứng đã đạt mức tối đa thì tiêm liều sơ bộ với liều lượng từ 1.000 - 1.500 UI/kg, khoảng cách từ liều dẫn đến liều sơ bộ cũng 24 giờ. Cuối cùng là liều quyết định với mức sử dụng 5.000 UI, khoảng cách từ liều sơ bộ đến liều quyết định từ 8 – 10 giờ. Liều tiêm cho cá đực từ 2.000 - 3.000 UI/kg cùng thời gian tiêm liều quyết định của cá cái. Thời gian hiệu ứng kích thích tố từ lúc tiêm liều quyết định đến khi rụng trứng từ 9-12 giờ.
Kiểm tra cá, dùng khăn sạch lau khô toàn thân nhất là vùng bụng cá, dùng tay vuốt từ phía sau đầu cá chạy dọc theo 2 lườn bụng đến điểm cuối là lỗ sinh dục thì thấy trứng chảy thành dòng từ lỗ sinh dục cá cái. Ở cá đực, tinh cũng nhú ra từ lỗ sinh dục có màu trắng sữa. Trước khi thấy có dấu hiệu rụng trứng thì tiến hành thu tinh cá đực trước, tinh được giữ trong nước muối sinh lý với nồng độ là 0,9%. Dùng xyranh hút 2 ml nước muối sinh lý sau đó hút 0,5 ml tinh bảo quản ở nhiệt độ thấp để kéo dài thời gian sống của tinh trùng.
Sau đó sẽ tiến hành vuốt trứng, bằng phương pháp thụ tinh khô, dùng lông gà quậy đều trứng và sẹ (tinh dịch), trong lúc quậy đều hỗn hợp trứng và sẹ cho thêm nước sạch vào từ từ và tạo điều kiện cho tinh trùng hoạt động, tăng xác suất thụ tinh cho trứng. Điều cần lưu ý là cá bông lau là loài cá rất yếu do đó quá trình kiểm tra sự thành thục cũng như chọn lựa cá bố mẹ cho sinh sản thì thao tác phải nhanh, nhẹ nhàng. Chỉ được phép đưa cá cho vào băng ca kiểm tra và tiêm kích dục tố ngay dưới nước. Đối với cá cái thời gian hiệu ứng kích thích tố là 12 giờ tính từ khi tiêm liều quyết định.
Việc xác định thời gian hiệu ứng nhằm theo dõi chính xác thời điểm rụng trứng để tiến hành sinh sản nhân tạo vuốt khô được kịp thời. Trứng cá bông lau thuộc loại trứng dính nên sau khi cá đẻ trứng được khử dính bằng dung dịch Tanin, sau đó được rửa lại bằng nước sạch và đem ấp trong bình Weiss sau 24-25 giờ thì trứng nở ở nhiệt độ 28-300C. Trứng cá bông lau ấp ở nhiệt độ thường 27,2-300C thường thời gian nở kéo dài từ 26-30 giờ, đạt tỷ lệ thu tinh 26-73,3%, tỷ lệ nở 57-90,1%.
Ương nuôi thành cá giống
Cá bột bông lau sau khi nở 24 giờ thì sẽ hết noãn hoàng và bắt đầu ăn thức ăn bên ngoài chủ yếu là động vật phù du. Ương cá bông lau chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, sau khi nở 24 giờ, cá bột được ương trong bể composite, mỗi bể thể tích là 1m3, mật độ từ 300 con/m3. Thay nước trong quá trình ương mỗi ngày một lần, mỗi lần từ 20-30% lượng nước trong bể. Trong 10 ngày đầu cho ăn Moina hoặc Moina kết hợp với Naulius Artemia. Từ ngày thứ 11 đến ngày thứ 20 cho ăn Moina kết hợp với thức ăn dạng bột mịn 40% đạm. Từ ngày thứ 21 đến ngày thứ 30 cho ăn thức ăn mảnh 40% đạm. Sau 30 ngày tuổi cá nặng 0,21-0,7 g và dài 28-45mm. Tỷ lệ sống của cá giống sau 30 ngày tuổi đạt từ 30,8-90,8%.
Giai đoạn 2, giai đoạn này có thể ương cá bột trong bể composite thể tích 1 m3 với nhiều mật độ khác nhau như: 50, 100 hay 200 con/m3. Dùng một loại thức ăn viên có hàm lượng đạm 40%, sau 60 ngày tuổi cá đạt trọng lượng từ 3,2-3,5 gam/con, tương đương với chiều dài là 72,2 – 73,3 mm, tỷ lệ sống từ 10,9-98%.