Là người tiên phong trong việc chọn vùng đất nhiễm phèn (xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, Tiền Giang) để phát triển cây thanh long ruột đỏ, lúc đầu từng bị cho là dở hơi nhưng giờ đây anh Đoàn Văn Sang đã có thể thuyết phục được mọi người về quyết định táo bạo của mình khi mà hiệu quả mang lại hơn cả sự mong đợi. | |
Công nhân đang chăm sóc trái thanh long tại vườn của anh Sang. |
Một quyết định táo bạo
Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống (chủ tiệm cơm gà Cát Tường ở TP. Mỹ Tho) nhưng qua thông tin từ bạn bè, anh quyết định tìm vùng đất thích hợp để trồng cây thanh long ruột đỏ. Do muốn phát triển cây thanh long với quy mô lớn nên anh tiến hành khảo sát vùng đất ở xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước và nhờ một người bạn công tác ở cơ quan khoa học của tỉnh lấy mẫu đất, mẫu nước để phân tích. Kết quả phân tích cho thấy, vùng đất này thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây thanh long, riêng về nguồn nước tưới, phải xử lý độ pH đạt mức giới hạn cho phép. Giữa năm 2011, anh mua 7,5ha đất cặp đường Tràm Mù (cách tỉnh lộ 867 khoảng 4,5km) kinh phí 2,5 tỷ đồng, lên liếp, đắp mô trồng tổng số 980 trụ bêtông (cao 1,3 mét tính từ mặt đất) và mua giống thanh long ruột đỏ H14 ở Viện Cây ăn quả miền Nam về trồng. Lúc đầu, không ít người cho rằng anh dở hơi khi chọn vùng đất bị nhiễm phèn nặng để trồng thanh long vì theo họ vùng đất này trước nay vốn chỉ thích hợp với một số cây trồng truyền thống như: khóm, tràm, bạch đàn,…trong khi tại thời điểm đó, thị trường tiêu thụ trái thanh long ruột đỏ rất bấp bênh với giá bán khoảng 3-4 ngàn đồng/kg. Thế nhưng, đất không phụ người, sau hơn 9 tháng canh tác, vụ đầu tiên anh thu hoạch 15 tấn thanh long ruột đỏ và bán với giá 25 ngàn đồng/kg. Một khoản thu nhập “khủng” ngoài sự mong đợi của anh. Sau đó, cứ 2 tuần, vườn thanh long lại đều đặn cho thu hoạch từ 10 – 20 tấn (trọng lượng trái trung bình từ 0,7-0,8 kg trở lên) với giá bán trung bình trên dưới 20 ngàn đồng/kg.
Mở rộng diện tích sản xuất theo hướng hàng hóa
Từ những thành công qua bước đầu trải nghiệm, anh tiếp tục mua 15ha đất cặp đường Tràm Mù (xã Thạnh Tân, cách tỉnh lộ 867 khoảng 1,5 km) để mở rộng diện tích trồng cây thanh long ruột đỏ. Theo anh Sang, để sản xuất thanh long theo hướng hàng hóa cần phải có diện tích canh tác lớn. Ưu điểm của việc sản xuất tập trung quy mô lớn mà anh rút ra từ thực tế là giúp tạo ra thế của người bán. Với sản lượng thanh long thu hoạch mỗi đợt, anh có thể cung ứng đủ hàng cho thương lái đóng thùng xuất khẩu (không phải mất thời gian thu gom nhiều nơi), nên đôi khi thương lái còn cạnh tranh nhau chào giá thu mua. Nhờ vậy khắc phục được tình trạng thương lái hợp đồng nhau ép giá nhà vườn.
Hiện tại, anh đang xúc tiến việc trồng trụ để mở rộng diện tích thanh long tại khu đất vừa mới mua. Theo anh Sang, để cây thanh long phát triển tốt ở vùng đất nhiễm phèn, cần chú ý kỹ thuật canh tác, nên sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây thì tốt hơn; xử lý nước và thường xuyên kiểm tra độ pH trước khi tưới; đối với hom giống mới trồng cần kiểm tra, xử lý diệt kiến triệt để, chú ý bón vôi định kỳ để đề phòng bệnh thối thân…Ngoài ra, cần định kỳ “vuốt tai” để cho đến khi trái chín, tai của trái thanh long vẫn còn xanh, tươi (không bị vàng) mới đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Trần Kim Thanh Vũ (xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) người có trên 10 năm kinh nghiệm với nghề trồng thanh long được anh Sang thuê đến hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc trái nhận xét: so với Chợ Gạo và quê anh, trái thanh long được trồng ở Thạnh Tân chất lượng không hề thua kém về màu sắc, trọng lượng, độ ngọt…
Anh Sang phấn khởi cho biết thêm: “Không biết do giống hay do thổ nhưỡng, vườn thanh long của tôi hầu như cho trái liên tục trong năm. Đợt này tôi chỉ mới chạy điện thử một số liếp để xử lý thanh long cho trái nghịch vào dịp Nôen. Hiện tôi cũng đang triển khai việc áp dụng quy trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGap để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu”. Đồng thời, anh có ý định phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng cũng như thị trường tiêu thụ để tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây thanh long theo hướng sản xuất hàng hóa tiến tới xây dựng nhà máy chế biến nước ép trái thanh long nhằm đảm bảo tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Theo Sở Công thương Tiền Giang, trong năm 2012, Sở đã xây dựng và tổ chức triển khai dự án “Hỗ trợ xuất khẩu trái cây các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long – Mô hình thí điểm tại tỉnh Tiền Giang”. Trong đó, đã chọn trái thanh long để phân tích chuỗi giá trị, đề ra các giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị, triển khai thực hiện và phổ biến nhân rộng mô hình.
Hy vọng rằng với thành công bước đầu cùng với những triển vọng về thị trường tiêu thụ đang được mở ra (đặc biệt là thị trường xuất khẩu) và sự liên kết giữa “Bốn nhà”, cây thanh long ruột đỏ sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng đất nhiễm phèn, giúp nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả và bền vững.