Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Bám sát nội dung Chỉ thị 42-CT/TW để xây dựng Liên hiệp hội Việt Nam thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh
(Ngày đăng: 29/05/2012)
Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) ban hành ngày 16/4/2010 có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động của Liên hiệp hội, mang lại niềm tin, cổ vũ tinh thần cho cán bộ hội. Tiếp sau đó, ngày 25/6/2010 Ban Bí thư đã có Thông báo số 353-TB/TW giao nhiệm vụ cho ban cán sự Đảng, Chính phủ và một số Bộ, ban Đảng, Đảng đoàn xây dựng các đề án cấp bách thực hiện Chỉ thị này.

Đó là những văn bản quan trọng, thể hiện sự quan tâm có trách nhiệm của lãnh đạo Đảng đối với Liên hiệp hội Việt Nam.

Trách nhiệm của chúng ta – toàn thể Liên hiệp hội Việt Nam, từ tổ chức cho tới các cán bộ hội, cần nắm vững nội dung của Chỉ thị 42-CT/TW và thực hiện theo tinh thần của Chỉ thị.

Trong Chỉ thị này Bộ Chính trị đã khẳng định mục tiêu đến năm 2020: xây dựng Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Vậy nội dung chính của Chỉ thị 42-CT/TW là gì? Có thể tóm tắt mấy điểm sau:

1/ Bộ Chính trị khẳng định nguyên tắc cơ bản xây dựng Liên hiệp hội Việt Nam thể hiện qua 3 quan điểm:

- Liên hiệp hội Việt Nam có hệ thống từ Trung ương tới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, là tổ chức chính trị - xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Liên hiệp hội Việt Nam không phải là một tập hợp các tổ chức rời rạc, mà là một tổ chức chính trị - xã hội có hệ thống trong hệ thống chính trị do Đảng ta lãnh đạo.

- Xây dựng Liên hiệp hội Việt Nam là trách nhiệm không chỉ của đội ngũ trí thức KH&CN mà của cả Đảng và Nhà nước. Trước đây, nhiều cấp ủy đảng và chính quyền không hiểu như vậy,

- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam trên cơ sở thực hành dân chủ, phát huy tinh thần yêu nước, tính sáng tạo và tính tích cực xã hội của các tổ chức hội, của đội ngũ trí thức KH&CN.

2/ Chỉ thị khẳng định, để xây dựng Liên hiệp hội Việt Nam có hệ thống, cần củng cố, kiện toàn và thống nhất cơ cấu tổ chức bộ máy của Liên hiệp hội ở Trung ương và các tỉnh, thành; cần có cơ chế phối hợp để thành một tổ chức thống nhất; cần có loại hình tổ chức phù hợp để thu hút trí thức người Việt ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước; quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ hoạt động hội. Các yêu cầu này trở thành nhiệm vụ trọng tâm trước mắt mà chúng ta cần thực hiện theo tinh thần chủ động.

3/ Chỉ thị tiếp tục thực hiện tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành TW (khóa X), trao cho Liên hiệp hội Việt Nam những nhiệm vụ hệ trọng:

- Đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước. (Ít có tổ chức trong nước ta được tin cậy như vậy);

- Khẳng định tính chủ động (mà không phải thụ động như tình trạng trước đây) của Liên hiệp hội Việt Nam trong việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với quá trình xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và đối với chương trình, dự án lớn của đất nước;

- Liên hiệp hội đi đầu trong phổ biến kiến thức KH&CN và một số nhiệm vụ khác.

4/ Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên cần thu hút ngày càng đông đảo trí thức KH&CN tham gia hoạt động hội. Muốn vậy, sinh hoạt hội phải là một môi trường phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo trong hoạt động KH&CN.

Liên hiệp hội Việt Nam có trách nhiệm tạo cầu nối giữa trí thức KH&CN với Đảng và Nhà nước.

5/ Để Liên hiệp hội Việt Nam có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Bộ Chính trị chỉ đạo phải sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Liên hiệp hội Việt Nam, đặc biệt Nhà nước phải bảo đảm kinh phí và các điều kiện hoạt động cho Liên hiệp hội từ Trung ương tới tỉnh, thành (khác với trước đây).

6/ Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Liên hiệp hội Việt Nam, Bộ Chính trị chỉ đạo cần đẩy mạnh xây dựng các tổ chức Đảng trong Liên hiệp hội, hoàn thiện nội dung, quy chế hoạt động của Đảng đoàn, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc… về Liên hiệp hội.

Trên đây là những nội dung chính của Chỉ thị 42-CT/TW nhằm xây dựng Liên hiệp hội Việt Nam thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh trong 10 năm tới.

Tuy nhiên, nội dung của Chỉ thị 42-CT/TW có thành hiện thực hay không là một vấn đề không đơn giản (kinh nghiệm thực tiễn đã nói lên điều đó). Việc thực hiện chỉ thị phụ thuộc vào ý thức của nhiều cơ quan, bộ phận, và nhiều yếu tố chủ quan, khách quan, nhưng cần khẳng định, chúng ta – Liên hiệp hội Việt Nam – phải chủ động trong việc này. Chỉ thị 42-CT/TW, do trực tiếp đồng chí Tổng Bí thư phê duyệt, là một văn kiện quan trọng, một cái “gậy” để Liên hiệp hội Việt Nam từ Trung ương tới địa phương dựa vào đó làm việc với các nơi, tháo gỡ khó khăn, và chỉ đạo hoạt động của chúng ta. Hiện nay, nhiều văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan tới Liên hiệp hội Việt Nam còn chưa phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 42-CT/TW, các tổ chức hội cần phát hiện và sớm kiến nghị cụ thể với các cơ quan Nhà nước có liên quan để sửa đổi, bổ sung. Ngay việc nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của Liên hiệp hội Việt Nam, thúc đẩy việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt chỉ thị ở các ngành, các cấp, Liên hiệp hội cũng cần chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo các cấp để thực hiện có hiệu quả (nếu không, Chỉ thị sẽ sớm rơi vào quên lãng như nhiều văn bản khác).

Nội dung của Chỉ thị rất súc tích, cần nghiên cứu kỹ để triển khai. Nhiều vấn đề cần tổ chức thành các đề án lớn, cần có thời gian (nhưng không thể dài được) nghiên cứu, xây dựng. Thông báo số 353-TB/TW của Ban Bí thư đã xác định 5 đề án mà các cơ quan có liên quan cần trình báo sớm Ban Bí thư.

Liên hiệp hội chúng ta cũng cần có những đề án nghiên cứu cụ thể hóa việc thực hiện nội dung của Chỉ thị. Trung ương có đề án lớn, cơ sở hội có đề án thực hiện phù hợp với địa phương, và thể hiện sự liên kết, phối hợp giữa các tổ chức hội. Thông qua việc xây dựng đề án, chúng ta từng bước tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong nội bộ Liên hiệp hội và những khó khăn từ bên ngoài. Muốn vậy, hoạt động của chúng ta không thể tách rời với hoạt động của hệ thống chính trị do Đảng trực tiếp lãnh đạo. Như vậy sẽ nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng chính quyền đối với Liên hiệp hội từ Trung ương tới địa phương. Ngoài ra, muốn trở thành một tổ chức chính trị - xã hội do Đảng trực tiếp lãnh đạo, chúng ta cần xây dựng tổ chức đảng và các tổ chức chính trị khác trong Liên hiệp hội vững mạnh để giữ vững vai trò nòng cốt trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tóm lại, chúng ta cần chủ động trong việc thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW, gắn kết hoạt động của Liên hiệp hội với các tổ chức trong hệ thống chính trị do Đảng ta lãnh đạo, tập hợp, huy động trí tuệ của đội ngũ trí thức vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo tiền đề tốt cho việc xây dựng nền kinh tế trí thức.

                                                                                             Nguyễn Hữu Tăng
Vusta.vn
Tin liên quan