Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Trí thức KHCN với cách mạng tháng Tám
(Ngày đăng: 29/05/2012)
Cách mạng Tháng Tám thành công, hầu hết các trí thức hàng đầu trong lĩnh vực KHCN như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Ngụy Như Kon Tum... đã lựa chọn con đường đầy gian khổ mà vinh quang, đồng hành cùng nhân dân để giành độc lập dân tộc, xây dựng nước Việt Nam mới.
GS VS Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ) tốt nghiệp kỹ sư và là cử nhân toán học, song ông có tới 11 năm đeo đuổi mục đích chế tạo vũ khí. Người ta biết nhiều đến ông với bề ngoài là nghiên cứu kỹ thuật dân dụng, song thực chất ông thầm lặng và bí mật học cách chế tạo vũ khí.

Suốt thời gian học tại Đại học Quốc gia Cầu - Đường Paris, rồi điện, mỏ, bách khoa và Viện Kỹ thuật Hàng không, ông có trong tay nhiều bằng kỹ sư, đồng thời, thi lấy nhiều chứng chỉ về khoa học cơ bản tại Đại học Sorbonne. Cùng với đó, “hành trang” của ông khi về nước còn là hơn 30.000 trang tài liệu về vũ khí, hầu hết là tuyệt mật. Đây cũng chính là “tài sản”quý khi ông trở về nước theo Cách mạng.

Kháng chiến toàn quốc năm 1946 bùng nổ cũng là lúc súng Bazooka do ông chế tạo có dịp thử nghiệm. Nhiều xe tăng các ổ súng máy của địch đã cháy thành than. Bozooka bắn thủng vỏ thép làm chìm tàu chiến giặc trên sông Lô trong Chiến dịch Thu - Đông 1947. Sau đó các loại vũ khí khác như súng không giật (SKZ), đạn bay... cũng được vị kỹ sư này cùng các cộng sự nghiên cứu thành công.

Cùng thời điểm này, Tạ Quang Bửu cũng “nổi tiếng” bởi khả năng nghiên cứu về toán học và các môn vật lý lý thuyết, vật lý lượng tử... Năm 1934, với các tấm bằng toán học của trường Đại học Paris, Đại học Bordeaux (Pháp), ông về nước và đi dạy toán và tiếng Anh, các môn khoa học tự nhiên tại trường tư ở Huế.

Thế nhưng, khi cách mạng cần, ông đã tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 ở Hà Nội. Năm 1946, ông đã đảm nhận chức vụ Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Khi trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đã chỉ đạo và biên soạn cuốn sách "Bắn máy bay bằng súng trường tập trung" phổ biến rộng rãi khắp nơi và sau đó, khiến máy bay Pháp phải dè chừng trên vùng trời Việt Nam.

Năm 1954, ông tham gia đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Geneva về Việt Nam trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và là người đại diện cho Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký văn bản Hiệp nghị đình chỉ chiến sự tại Việt Nam và Lào, thường được biết đến dưới cái tên Hiệp định Genève về Việt Nam.

Nguỵ Như Kontum đỗ thạc sĩ Lý - Hóa, được nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng Pháp là Giôliô Quyri (Jolio Curie) nhận làm nghiên cứu sinh. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1939), ông trở về nước dạy học tại các trường trung học ở Sài Gòn, rồi Hà Nội. Kết hợp chặt chẽ giảng dạy trong nhà trường với nghiên cứu khoa học và phổ biến kiến thức ngoài nhà trường.

Ông đã cùng một số tri thức tiến bộ viết bài cho tạp chí khoa học nổi tiếng thời đó. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946, ông theo chính phủ kháng chiến lên căn cứ địa Việt Bắc, đảm nhiệm nhiều trọng trách trong ngành giáo dục: làm Tổng giám đốc Trung học vụ kiêm Đổng lý sự Bộ Quốc gia Giáo dục.

Đất nước độc lập, các “cây đại thụ” của làng trí thức khoa học công nghệ tiếp tục phát huy vai trò của mình trên mặt trận mới. GS Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Chủ tịch VUSTA nhận định: Những cống hiến của các nhà trí thức khoa học công nghệ trong thời chiến cũng như thời bình đều đáng để tầng lớp trí thức sau này, nhất là các trí thức trẻ học tập và noi theo.

Bích Ngọc
baodatviet
Tin liên quan