Sáng ngày 31-7-2013, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Tư pháp tổ chức triển khai, tập huấn Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) cho trên 50 cán bộ công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động các huyện, thành, thị; công đoàn ngành; Công đoàn Viên chức; Công đoàn các khu công nghiệp; công đoàn cơ sở thuộc Liên đoàn Lao động và Công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Viên chức tỉnh. | |
Bà Huỳnh Thị Bé - Phó Giám đốc Sở Tư pháp triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. |
Luật PCTHTL được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 phê duyệt từ ngày 18-6-2012, có hiệu lực từ ngày 01-5-2013, Luật có 5 chương và 35 điều, quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác PCTHTL, các hành vi bị nghiêm cấm, các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và các điều kiện để bảm đảm phòng, chống tác hại của thuốc lá...
Luật PCTHTL ra đời, góp phần tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả hơn công tác PCTHTL, giảm tỉ lệ người sử dụng thuốc lá, hạn chế những tác hại do sử dụng thuốc lá gây ra. Luật chỉ tập trung vào các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, không điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá thuần túy.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá, trong đó 84% người hút thuộc các nước đang phát triển. Việt Nam nằm trong số 15 quốc gia có số lượng người hút thuốc lá cao hàng đầu trên thế giới, ước tính khoảng trên 15 triệu người, trong đó, nhóm người có độ tuổi từ 25 đến 50 chiếm tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất. Đối với người hút thuốc lá thụ động, tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà là 67,6% và nơi làm việc là 49%. Như vậy nếu tính tổng số người hút thuốc lá chủ động và thụ động, Việt
Thuốc lá có chứa hơn 7.000 chất độc hóa học, trong đó có khoảng 70 chất gây ung thư. Trong số 25 loại bệnh phổ biến nhất liên quan đến thuốc lá thì bệnh ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, bệnh phổi tắc nghẽn đứng vị trí hàng đầu và nhiều căn bệnh khác như ung thư vòm họng, ung thư da, loãng xương, ung thư thanh quản, phế quản, đục nhãn mắt, loét dạ dày, giảm khả năng sinh sản... Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm tại Việt Nam có hơn 40.000 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông. Nếu không có biện pháp kịp thời thì đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người.
Tại Việt Nam, năm 2010, riêng chi phí cho điều trị cho 3 trong số 25 loại bệnh phổ biến nhất liên quan đến thuốc lá như ung thư phổi, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn là 2.304 tỷ đồng. Ngoài ra, chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là hộ có thu nhập thấp. Theo thống kê, một người hút thuốc lá trong một năm tiêu hết số tiền bằng 1/3 số tiền chi cho lương thực, gấp 1,5 lần so với chi cho giáo dục, gấp 5 lần chi phí y tế tính theo bình quân đầu người. Vì vậy, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm gia tăng đói nghèo.
Ngoài ra, hút thuốc lá còn là nguyên nhân gây mất vệ sinh môi trường, làm gia tăng hoạt động buôn bán và gây ra nguy cơ cháy nổ.
Hiện tại, cả nước có 17 doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu với diện tích trồng gần 16.000 ha. Số lao động làm trong ngành công nghiệp thuốc lá gần 20.000 người và 220.000 lao động nông nghiệp trong sản xuất nguyên liệu.
Luật PCTHTL ra đời là sự kiện hết sức quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho công tác PCTHTL, góp phần hạn chế bệnh tật, nâng cao sức khỏe cộng đồng, nhằm xây dựng nếp sống văn hóa; bên cạnh đó, để Luật đi vào cuộc sống, các cấp quản lý, các tổ chức đoàn thể và người dân cần nghiêm túc tuân thủ theo các quy định của Luật PCTHTL. Tất cả mọi người hãy vì một môi trường “không khói thuốc”.