Mang sứ mệnh tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ (KH-CN), hệ thống Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) từ khi thành lập đã không chỉ góp phần đưa tiến bộ kỹ thuật vào đời sống, mà còn tư vấn, phản biện nhiều chủ trương, chính sách lớn. | |
Có lẽ vì vậy, cụm từ “tư vấn, phản biện” luôn gắn liền với hình ảnh các nhà khoa học thuộc hệ thống VUSTA. PGS.TS Hồ Uy Liêm cho rằng: “Phản biện là sở trường của lực lượng trí thức KH-CN nói chung, trong đó có VUSTA. Hoạt động này vừa mang tính khách quan, vừa độc lập, lại tập hợp được trí tuệ cao nhất của cả nước chắc chắn những ý kiến góp ý sẽ có chất lượng cao”.
Đơn cử công trình Thuỷ điện Sơn La, năm 1998, chủ đầu tư đưa ra cao trình tích nước 265m để trình Quốc hội , nhưng nhờ phản biện sâu sắc của VUSTA và Hội Thủy lợi Việt Nam, Quốc hội sau đó đã duyệt cao trình 215m, tránh một “hiểm họa” cho các tỉnh, thành phố dưới xuôi.
Hoạt động tư vấn, phản biện đáng chú ý gần đây nhất của VUSTA là về dự án khai thác bôxit Tây Nguyên. Theo kế hoạch, đến năm 2010 Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam dự kiến triển khai ba dự án alumina, gồm Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đăk Nông 1) và Kon Hà Nừng (Gia Lai), một dự án hydroxit nhôm tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Dự kiến đến năm 2025, sản lượng alumina khoảng 13 - 18 triệu tấn/năm, nhôm điện phân khoảng 0,4 - 0,8 triệu tấn/năm. Nhận trọng trách phản biện dự án này, sau hai tháng khảo sát và nghiên cứu số liệu, các nhà khoa học của VUSTA đã đưa ra bốn bản báo cáo về các khía cạnh khác nhau của dự án bôxit Tây Nguyên.
Kết quả, Bộ Chính trị trong Thông báo số 245-TB/TW đã nêu rõ: “Tiếp thu các ý kiến đúng đắn của các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học, Ban cán sự Đảng, Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và khu vực Tây Nguyên trong từng thời kỳ; gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế để đạt hiệu quả toàn diện”.
Dẫn lại nhận định của Chủ tịch VUSTA, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng: “Phản biện không phải là nói ngược, là đi ngược lại chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà là dùng những căn cứ khoa học để chỉ ra những điểm nên hay không nên trong mỗi quyết định lớn trên tinh thần xây dựng". Ông Liêm nhấn mạnh: “Những ý kiến trái chiều không dễ đưa ra, nhưng lãnh đạo lắng nghe và chọn giải pháp tốt cho quyết sách sẽ có ích cho đất nước”.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, tư vấn, phản biện và giám định xã hội là hoạt động quan trọng của VUSTA. “Thế nhưng, vai trò phản biện kinh tế - xã hội cần phải làm rõ hơn, đồng thời phải có động thái quyết liệt hơn với kết quả phản biện. Hiện trên thực tế, không nhiều cơ quan được phản biện có hồi âm hoặc sửa đổi theo sự phản biện của các nhà khoa học đầu ngành”, ông Dũng nói.
Thực tế, phản biện chỉ có hiệu quả khi được lắng nghe. “Cái tài của người lãnh đạo là dám nghe những ý kiến trái chiều để lựa giải pháp tốt cho quyết sách mình, khi đó phản biện mới thực sự có ích. Chính vì vậy, việc phản biện không chỉ đơn thuần chỉ ra những yếu điểm mà bên cạnh đó sẽ là những giải pháp cụ thể được các nhà khoa học tính toán kỹ”, ông Liêm nói.
Ông Liêm cho rằng, Quyết định 22-QĐ/TTg năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ đã ghi rõ vai trò tư vấn phản biện của Liên hiệp hội, thế nhưng các cơ quan của nhà nước rất hiếm khi trưng cầu tư vấn khách quan và độc lập của các hội khoa học và kỹ thuật về các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án phát triển lớn của đất nước.
“Đây là thế mạnh rất cơ bản của VUSTA. Vì vậy, dù có khi có ý kiến “trái chiều”, nhưng với tinh thần xây dựng, các nhà khoa học thuộc VUSTA vẫn thẳng thắn bày bày tỏ. Đây còn là sự thể hiện trách nhiệm của người trí thức những vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội”, ông Liêm khẳng định.