Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Xây dựng Liên hiệp hội Việt Nam vững mạnh: Trí thức giữ vai trò quyết định
(Ngày đăng: 29/05/2012)

GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng (ảnh) khẳng định đội ngũ trí thức KH&CN đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng Liên hiệp hội Việt Nam thành tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh.

Liên hiệp hội Việt Nam vừa công bố dự thảo lần thứ 10 Chiến lược phát triển giai đoạn 2010-2020 trên trang web vusta.vn để lấy ý kiến rộng rãi của trí thức trong và ngoài nước. Trước thềm Đại hội lần VI, trang tin vusta.vn và bản tin KCP đã phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam, về những vấn đề xung quanh Chiến lược.

- Đây là lần đầu tiên trong quá trình phát triển 27 năm Liên hiệp hội Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển. Được biết bản Chiến lược được xây dựng vào thời điểm tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 45/CT-TW của Bộ Chính trị khóa VIII về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam và triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Xin ông cho biết sự chỉ đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng Chiến lược của Liên hiệp hội Việt Nam.

GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Xây dựng chiến lược phát triển là sáng kiến của Liên hiệp hội Việt Nam. Trong quá trình hoạt động từ trước đến nay, chúng ta chưa lần nào bàn về chiến lược. Nếu chúng ta cứ hoạt động mà không có chiến lược để định hướng thì sẽ cứ mò mẫm mãi, không có đích rõ ràng để đi tới. Mặc dù Đảng và Nhà nước chưa có chỉ đạo cụ thể nhưng do Liên hiệp hội Việt Nam thấy cần nên trong vòng 2 năm qua đã tiến hành xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2010-2020. Trong quá trình xây dựng chiến lược, Liên hiệp hội Việt Nam nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của lãnh đạo cấp trên,  Đảng đoàn, Ban Tuyên giáo Trung ương. Hơn nữa, do Liên hiệp hội là tổ chức do Đảng thành lập, chịu sự lãnh đạo của Đảng nên việc xây dựng chiến lược phải tuân theo các chỉ thị, nghị quyết… của Đảng.

- Ông nhận định thế nào về những cơ hội và thách thức đối với Liên hiệp hội Việt Nam trong 5, 10 năm tới?

GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Về cơ hội, theo tôi, thứ nhất là vai trò, uy tín của Liên hiệp hội Việt Nam trong xã hội ngày càng cao và một phần trong quốc tế ngày càng rõ nét. Thứ hai, Ban chấp hành TW Đảng ra Nghị quyết 27-NQ/TW, nghị quyết chuyên đề đầu tiên về trí thức, trong đó nêu rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của trí thức trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Nghị quyết nhấn mạnh đến vai trò của các tổ chức của trí thức như Liên hiệp hội Việt Nam và Liên hiệp văn học nghệ thuật. Thứ ba, Liên hiệp hội Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức kiểm điểm 10 năm thực hiện Chỉ thị 45. Tới đây, sau khi Đảng đoàn Liên hiệp hội Việt Nam báo cáo với Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến và có thể sẽ có một nghị quyết về Liên hiệp hội Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội cho Liên hiệp hội Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa. Một cơ hội nữa chính là nội bộ trí thức ngày càng gắn kết với tổ chức hội, điều này sẽ tạo điều kiện cho việc quy tụ trí thức vào Liên hiệp hội.

Về thách thức, tôi nghĩ rằng Nghị quyết TW 7 đã khẳng định vai trò quan trọng của trí thức trong xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Liên hiệp hội Việt Nam có trách nhiệm làm thế nào tập hợp, phát huy chất xám của đội ngũ trí thức phục vụ cho sự nghiệp cao cả này. Hiện nay, chúng ta mới chỉ tập hợp được 1/3 trí thức trong cả nước, trong khi còn nhiều trí thức hoạt động tự do, trí thức ở nước ngoài, mà theo tôi được biết có khoảng 400 nghìn người có trình độ đại học trở lên chưa tham gia tổ chức hội. Liên hiệp hội Việt Nam nói chung và các hội nghề nghiệp nói riêng còn đang lúng túng trong việc tìm kiếm phương thức tổ chức hoạt động cho phù hợp với đòi hỏi của trí thức. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam, nhất là các Liên hiệp hội địa phương còn hạn hẹp vì lãnh đạo ở nhiều nơi chưa nhận thức được vai trò của Liên hiệp hội nên chưa tạo điều kiện cho Liên hiệp hội hoạt động.

- Theo ông, bằng cách nào Liên hiệp hội Việt Nam có thể tập hợp được đội ngũ trí thức ngoài Đảng, trí thức ở nước ngoài?

GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Trí thức nước ta rất có ý thức trách nhiệm với những vấn đề của đất nước. Điều đó đã được chứng minh trong lịch sử, nhất là qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Tuy nhiên, nếu bắt chước cách thức cũ thì không ổn vì thế giới đã biến đổi. Chúng ta cần nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút trí thức thuộc các thành phần khác nhau, trong đó phương thức hoạt động cần gắn với lợi ích của trí thức. Hiện nay, ngay cả cả Đảng, Nhà nước cũng như Liên hiệp hội Việt Nam và các tổ chức khác của trí thức còn lúng túng trước vấn đề này nên muốn tháo gỡ cần thảo luận cặn kẽ.

- Đề nghị ông cho biết các điều kiện cần và đủ để Liên hiệp hội Việt Nam thực hiện thành công chiến lược.

GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Việc xây dựng chiến lược gắn liền với việc đúc kết quá trình hoạt động 27 năm của Liên hiệp hội Việt Nam. Điểm mới của chiến lược chính là đã đưa ra mục tiêu rõ ràng, một định hướng chung cho hoạt động của toàn hệ thống, đó là: “Đến năm 2020, Liên hiệp hội Việt Nam trở thành một tổ chức chính trị - xã hội thực sự vững mạnh từ trung ương đến địa phương; giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết rộng rãi và phát huy sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội thành viên và hội viên hoạt động trong các hội; là nhân tố quan trọng đưa KH&CN trở thành động lực phát triển nền kinh tế tri thức, góp phần phát triển bền vững đất nước. Sau khi được Đại hội VI thông qua, chiến lược phải được cụ thể hóa thành các chương trình, dự án về các vấn đề như xây dựng tổ chức, nghiên cứu phương thức lôi cuốn, tập hợp đội ngũ trí thức… Lãnh đạo Liên hiệp hội Việt Nam nhiệm kỳ mới cần phải làm việc với Nhà nước để hỗ trợ kinh phí cho việc thực hiện chiến lược, kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tự thân vận động. Trong nhiệm kỳ tới, chúng ta cần kiến nghị Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế để Liên hiệp hội Việt Nam tự tạo kinh phí thông qua các dịch vụ công và các hoạt động khác.

- Chiến lược chủ yếu nêu trách nhiệm của Liên hiệp hội Việt Nam trong việc xây dựng tổ chức vững mạnh, theo ông trách nhiệm của Đảng và Nhà nước được thể hiện như thế nào?

GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Xây dựng Liên hiệp hội Việt Nam là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và đội ngũ trí thức KH&CN, trong đó trí thức KH&CN giữ vai trò quyết định. Như tôi đã nói ở trên, sau khi Chiến lược được Đại hội VI thông qua, chúng ta cần cụ thể hóa thành các chương trình, dự án, báo cáo và đề nghị các cấp lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để Đảng, Nhà nước tạo điều kiện thực hiện. Nhưng điều quan trọng là phải huy động được sự tham gia của các hội thành viên, của đội ngũ trí thức.

- Xin cảm ơn ông.

Linh Ngọc thực hiện
Vusta.vn
Tin liên quan