Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Những vướng mắc khi thực hiện các quy định đối với các hội đặc thù
(Ngày đăng: 17/07/2013)

Nghị định 45 của Chính phủ và Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận các hội mang tính đặc thù cùng những chính sách kèm theo là một sự ưu ái với hội, tạo điều kiện vật chất thuận lợi cho một số hội hoạt động. Tuy nhiên, chủ trương này ra đời cũng gây tranh cãi và trong quá trình tổ chức thực hiện phát sinh những vướng mắc mà đã gần 3 năm nay vẫn chưa tháo gỡ được.
Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi được UBND tỉnh công nhận là 1 trong 17 hội đặc thù.

NHỮNG VƯỚNG MẮC PHÁT SINH

1. Có những hội ra đời và hoạt động đã lâu (trên 20 năm), đạt nhiều thành tích và tỏ ra rất cần thiết cho xã hội thì không được hưởng chính sách hội đặc thù (như Hội Từ thiện TP. Mỹ Tho). Trong khi đó có những hội mới ra đời, chỉ có chức năng liên lạc, chăm sóc hội viên lại được hưởng sự ưu ái này.

2. Đã có 28 hội có phạm vi hoạt động trên cả nước (tạm gọi là hội toàn quốc) được Chính phủ xem là hội đặc thù theo Quyết định 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng khi triển khai xuống các cấp tỉnh, huyện, xã thì có những hội lại không được địa phương công nhận là hội đặc thù. Trong khi đó, cá biệt lại có một hội toàn quốc tuy không được Trung ương xem là hội đặc thù nhưng lại được địa phương Tiền Giang công nhận là hội đặc thù trong số 17 hội tại Quyết định 1214/QĐ/UBND của UBND tỉnh. Điều này gây ra nhiều thắc mắc và phản ứng khác nhau.

3. Chỉ những cán bộ hưu trí có lương hưu làm công tác hội mới được hưởng thù lao công tác hội, còn những cán bộ cũng thuộc tuổi hưu nhưng không có lương hưu (xin nghỉ sớm, nghỉ hưởng chính sách một lần…) dù đã nhiều năm làm công tác hội cũng không được hưởng thù lao theo tinh thần Nghị định 45 của Chính phủ.

Tình trạng này dẫn đến nhiều cán bộ hội có thâm niên, có kinh nghiệm công tác hội thuộc diện này đã xin nghỉ việc. Trong khi đó việc tìm người thay thế lại gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những hội đòi hỏi cán bộ phải có chuyên môn (như Hội Đông y) thì không tìm đâu ra đủ cán bộ hưu trí có hưởng lương hưu, chưa tính đến việc họ có tự nguyện làm công tác hội hay không, vì hầu hết lương y xưa nay không phải là cán bộ Nhà nước.

4. Trước khi được xem là hội đặc thù, cán bộ Hội Chữ thập đỏ trong tuổi lao động được hưởng lương theo quy chế công chức được phân công làm công tác hội, nhưng từ khi thực hiện chính sách hội đặc thù thì những cán bộ này bị cắt mất đi khoản phụ cấp công vụ 25% lương và 30% lương phụ cấp ngành (áp dụng cho công chức làm công tác Đảng và đoàn thể). Sự thiệt thòi đó khiến họ phân vân về lựa chọn, liệu có tiếp tục làm cán bộ hội hay trở lại nhiệm sở cũ là công chức Nhà nước.

5. Thủ tục xin phép thành lập hội, đại hội lần đầu, đại hội lại… còn quá nhiều phiền toái không cần thiết, nhất là việc các cấp hội phải xây dựng điều lệ hội và phải khai lý lịch tư pháp đối với tất cả những người đứng đầu các cấp hội (dù không phải là người đứng đơn sáng lập hội). Những thủ tục này vốn chỉ cần thiết trong trường hợp xin sáng lập hội mới.

GÓP PHẦN LÝ GIẢI NHỮNG BẤT CẬP TRÊN

Từ thực tế cho thấy, phần lớn nguyên nhân dẫn đến bất cập đều có liên quan đến cách hiểu và vận dụng các quy định của pháp luật.

Trước hết, các tiêu chí được nêu tại Điều 1 trong Quyết định 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xác định tương đối rõ thế nào là một hội đặc thù. Tuy nhiên, cũng có tiêu chí chưa thật hợp lý như việc lấy mốc thời gian hội được Nhà nước giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động trước (hoặc sau) ngày 24-4-2010 để xem là hội đặc thù hay không. Như vậy một hội nào đó mới ra đời dù mang tính phục vụ xã hội cao và thực sự cần thiết cho cộng đồng thì cũng không thể được xem là hội đặc thù.

Hai là, có sự lẫn lộn giữa hội hoạt động trong phạm vi địa phương với các cấp địa phương của một hội hoạt động trong phạm vi cả nước. Từ đó dẫn đến việc chính quyền địa phương (UBND tỉnh) thực hiện thẩm quyền quản lý Nhà nước đầy đủ (như cho phép thành lập, phê chuẩn điều lệ hội…) đối với các cấp địa phương của một hội có hoạt động trong phạm vi cả nước. Các hội này thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Việc ngành Nội vụ bắt buộc các cấp tỉnh, huyện, xã của một hội toàn quốc xây dựng điều lệ hội chẳng những gây thêm phiền toái mà còn trái với yêu cầu các cấp hội phải thực hiện thống nhất điều lệ hội do đại hội toàn quốc của hội thông qua và được Chính phủ phê duyệt. Sự nhầm lẫn này cũng dẫn đến việc áp dụng mốc thời gian Nghị định 45 của Chính phủ có hiệu lực pháp luật để xét tính chất đặc thù cho các cấp hội địa phương mới được thành lập sau ngày 24-4-2010 là không phù hợp, vì ngày thành lập hội phải được hiểu là ngày Nhà nước cho phép thành lập cấp hội cao nhất.

Một hội đã được Chính phủ cho phép thành lập và hoạt động trong phạm vi cả nước thì đương nhiên phải được phép thành lập và hoạt động ở địa phương. Các cấp chính quyền địa phương có trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý các tổ chức này theo pháp luật và điều lệ của hội đã được Chính phủ phê duyệt.

Ba là, thay vì giúp đỡ các hội bằng việc cấp kinh phí cho các chương trình công tác của hội có phục vụ lợi ích công cộng thì trái lại cách thức hỗ trợ của Nhà nước đối với hội theo Nghị định 45 của Chính phủ chủ yếu là trả lương hành chánh cho cán bộ làm công tác hội (cấp tỉnh 4 - 5 người, cấp huyện 2 - 3 người, cấp xã 1 - 2  người) mà không xem xét đến tính phức tạp và quy mô hoạt động của từng hội. Điều này càng làm cho biên chế hành chính phình ra một cách đáng kể và là một cách làm không xem trọng hiệu quả.

Từ những vướng mắc phát sinh và lý giải qua các quy định hiện hành, thiết nghĩ để xác lập và phát huy vai trò của các hội quần chúng nhất thiết cần tổ chức khảo sát, mở các hội thảo, hội nghị chuyên đề để có tiếng nói chung nhằm góp phần điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các chủ trương, chính sách, tạo điều kiện pháp lý giúp các hội quần chúng hoạt động tốt hơn.

NGÔ DUY THƯỢNG (Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang). Nguồn: Báo Ấp Bắc
Tin liên quan