Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
(Ngày đăng: 29/05/2012)
Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) đã có 26 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay đã trở thành một tổ chức rộng lớn tập hợp đông đảo các hội thành viên, bao gồm các hội ngành hoạt động trong toàn quốc và Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố tập hợp hơn 1,8 triệu hội viên, trong đó có hơn 80 vạn trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN).

Liên hiệp hội Việt Nam đã phát triển và trở thành một tổ chức có nhiều ảnh hưởng trong xã hội. Lực lượng trí thức khoa học và công nghệ tập hợp trong Liên hiệp hội Việt Nam ngày càng đông. Song, trước tình hình mới và trong bối cảnh quốc tế phức tạp, các thế lực thù địch tiếp tục tìm mọi cách tác động trực tiếp tới tâm tư của trí thức và lôi kéo đội ngũ trí thức nước ta xa rời sự lãnh đạo của Đảng, xa rời chế độ chính trị của nước ta, đang tạo ra những khuynh hướng khác nhau về định hướng phát triển của Liên hiệp hội Việt Nam. Một khuynh hướng cho rằng cần đảm bảo các yếu tố pháp lý và điều kiện cần thiết tiếp tục phát triển tổ chức Liên hiệp hội Việt Nam trở thành một tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Liên hiệp hội Việt Nam có sứ mệnh chính trị giúp Đảng, Nhà nước trong công tác vận động, đoàn kết và tập hợp trí thức KH&CN, củng cố khối liên minh công – nông – trí, là thành tố quan trọng trong hệ thống chính trị của nước ta và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có khuynh hướng khác cho rằng cần phát triển Liên hiệp hội Việt Nam theo hướng trở thành một tổ chức phi chính phủ, hoạt động nghề nghiệp, chuyên môn thuần túy, tự quản, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do đó, cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để Liên hiệp hội Việt Nam phát triển đúng định hướng thành một tổ chức chính trị - xã hội thực sự vững mạnh, chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước trong công tác tập hợp, đoàn kết, động viên đội ngũ trí thức KH&CN, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trước đòi hỏi đó, Bộ Chính trị cần sớm nghiên cứu, ban hành một Nghị quyết chuyên đề đối với Liên hiệp hội Việt Nam với các lý do sau:

Một là: Hiện nay đội ngũ trí thức có khoảng gần 3 triệu người, trong đó tuyệt đại đa số là trí thức KH&CN. Vai trò, vị trí của họ ngày càng quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước. Số trí thức đó hoạt động trong các doanh nghiệp, trong các tổ chức ngoài nhà nước ngày càng đông. Không có cơ quan quản lý nào của Đảng và Nhà nước đủ sức quản lý được lực lượng này, nhưng nếu quan tâm phát triển các tổ chức hội khoa học và kỹ thuật thì các hội này hoàn toàn có khả năng hỗ trợ cho sự quản lý của các cơ quan của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức đó.

Hai là: Chỉ thị 45-CT/TW đã được thực hiện 10 năm và Thông báo Kết luận 145 TB/TW của Ban Bí thư (khoá IX) cũng chỉ khẳng định việc tiếp tục Chỉ thị này đến 2010. Tác dụng của Chỉ thị bị hạn chế, nhiều cấp uỷ nắm không chắc nội dung, hoặc hiểu sai lệch làm cho hoạt động của Liên hiệp hội ở trung ương và địa phương gặp nhiều khó khăn. Chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp hội Việt Nam và các Liên hiệp hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn toàn giống nhau, chỉ khác nhau về quy mô và phạm vi hoạt động, nhưng Liên hiệp hội Việt Nam thì được Đảng và Nhà nước coi là tổ chức chính trị - xã hội, còn các Liên hiệp hội địa phương thì đa số vẫn được cấp uỷ, chính quyền địa phương xem là tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Ba là: Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) đã khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước: “ Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nền kinh tế tri thức nhằm đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đến năm 2020…. đòi hỏi phải phát huy đến mức cao nhất tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức ”. Để thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW cần có một Nghị quyết chuyên đề đối với Liên hiệp hội Việt Nam - là tổ chức đại diện của đội ngũ trí thức KH&CN, Nghị quyết này sẽ thay thế cho Chỉ thị 45-CT/TW trong tình hình mới. Nghị quyết cần tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của Liên hiệp hội Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội có hệ thống từ trung ương tới địa phương trong hệ thống chính trị nhằm tập hợp, đoàn kết được đại đa số đội ngũ trí thức KH&CN ở nước ta mà hiện nay Liên hiệp hội Việt Nam, tuy đã có rất nhiều nỗ lực vươn lên, song mới chỉ tập hợp được 1/3 số trí thức này. Truyền thống của dân tộc ta và đường lối của Đảng ta rất coi trọng trí thức trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong nền tảng liên minh công – nông – trí. Nhưng trong thời gian qua thực tế chứng tỏ ở nhiều nơi, tổ chức liên hiệp hội của trí thức không được coi trọng, hoạt động hội gặp vô vàn khó khăn, vì vậy, một bộ phận trí thức xa rời, thờ ơ với Đảng. Vì vậy, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét đối xử với Liên hiệp hội Việt Nam bình đẳng như đối với các đoàn thể chính trị - xã hội khác. Vấn đề này không được nêu trong Chỉ thị 45-CT/TW.

Bốn là: Cần khẳng định vai trò của Liên hiệp hội Việt Nam là cầu nối giữa trí thức với Đảng và Nhà nước; có trách nhiệm trong công tác tư tưởng, vận động trí thức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của trí thức. Liên hiệp hội Việt Nam được giao nhiệm vụ thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội để hiến kế, góp ý và là một kênh quan trọng phản ánh trung thực, khách quan dư luận xã hội đối với chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Thực tiễn cho thấy rằng những ý kiến tư vấn, phản biện do Liên hiệp hội Việt Nam thực hiện luôn chặt chẽ về mặt khoa học và mang tính xây dựng cao (ví dụ như Dự án thuỷ điện Sơn La, Dự án khai thác Bauxit ở Tây Nguyên,..). Hơn nữa, hoạt động trong Liên hiệp hội Việt Nam có rất nhiều trí thức đầu ngành, trí thức đã kinh qua công tác lãnh đạo, quản lý ở các cấp khác nhau từ trung ương tới địa phương. Nhiều trí thức có uy tín, tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn rất có tâm huyết với đất nước, cần khai thác “chất xám” và kinh nghiệm của họ. Vấn đề này chưa được đề cập thoả đáng trong Chỉ thị 45-CT/TW.

Năm là: Điều kiện hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam từ trung ương tới địa phương thời gian qua vô cùng khó khăn, thiếu thốn (về kinh phí, nhân lực, phương tiện, trụ sở ). Để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời kỳ mới, Nhà nước cần bảo đảm các điều kiện hoạt động cho Liên hiệp hội từ trung ương tới địa phương chứ không phải chỉ là sự “ hỗ trợ ” như đã nêu trong Chỉ thị 45-CT/TW; cần bổ sung Liên hiệp hội Việt Nam vào mục lục ngân sách Nhà nước hàng năm.

Nghị quyết mới cần xác định rõ quan điểm phát triển của Liên hiệp hội Việt Nam: khẳng định xây dựng Liên hiệp hội Việt Nam trở thành một tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, có hệ thống tổ chức từ trung ương tới địa phương, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Liên hiệp hội Việt Nam có sứ mệnh tập hợp, đoàn kết rộng rãi và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, góp phần đưa khoa học và công nghệ trở thành nền tảng và động lực của sự nghiệp phát triển bền vững đất nước. Phải coi phát triển Liên hiệp hội Việt Nam là trách nhiệm không phải chỉ của bản thân đội ngũ trí thức và Liên hiệp hội Việt Nam mà là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện cho Liên hiệp hội Việt Nam phát triển. Liên hiệp hội Việt Nam phải là tổ chức tạo ra môi trường tự do, dân chủ cho trí thức trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo; thể hiện trách nhiệm lớn trong việc phát triển, bồi dưỡng nhằm sử dụng có hiệu quả đội ngũ trí thức; thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao phù hợp với năng lực chuyên môn, nghề nghiệp của trí thức, đóng góp tích cực vào công cuộc chấn hưng đất nước.

Mục tiêu cần đạt được trong 10 năm tiếp theo của Liên hiệp hội Việt Nam cần được xác định rõ trong Nghị quyết, đó là: Trở thành một tổ chức chính trị - xã hội thực sự vững mạnh, có hệ thống tổ chức từ trung ương tới địa phương; giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết rộng rãi và phát huy sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN; đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội thành viên và của hội viên hoạt động trong hội; là nhân tố quan trọng góp phần đưa KH&CN trở thành nền tảng và động lực quyết định phát triển đất nước.

Để đạt được mục tiêu trên, cần xác định một số nhiệm vụ chủ yếu của Liên hiệp hội Việt Nam, trong đó cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên, đổi mới nội dung và phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm tạo ra môi trường rộng mở, linh hoạt và dân chủ tập hợp rộng rãi đội ngũ trí thức, động viên người trí thức đóng góp nhiều nhất cho đất nước. Bên cạnh đó cần xác định rõ trách nhiệm của cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp trong việc tạo môi trường, cơ chế, chính sách thuận lợi đối với Liên hiệp hội Việt Nam, giúp cho tổ chức này hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình.

TS Phạm Văn Tân-Tổng Thư ký Liên hiệp hội Việt Nam
Vusta.vn
Tin liên quan