Gần đây, nhà vườn trồng thanh long huyện Chợ Gạo lo lắng vì chứng bệnh lạ mà nông dân thường gọi là bệnh “đốm trắng” rất dễ lây lan. Vết bệnh ban đầu chỉ là những đốm trắng nhỏ khoảng 1mm xuất hiện rải rác trên cành non, trên trái từ gần chín đến chín, sau đó vết bệnh lớn dần lên và chuyển sang màu nâu rồi khô đi. Những vườn bị bệnh nặng có thể thấy bệnh xuất hiện trên cả trái còn non. | |
Triệu chứng bệnh "đốm trắng" trên trái. |
Gần đây, nhà vườn trồng thanh long huyện Chợ Gạo lo lắng vì chứng bệnh lạ mà nông dân thường gọi là bệnh “đốm trắng” rất dễ lây lan. Vết bệnh ban đầu chỉ là những đốm trắng nhỏ khoảng 1mm xuất hiện rải rác trên cành non, trên trái từ gần chín đến chín, sau đó vết bệnh lớn dần lên và chuyển sang màu nâu rồi khô đi. Những vườn bị bệnh nặng có thể thấy bệnh xuất hiện trên cả trái còn non.
Trái thanh long có vết bệnh sẽ mất giá trị thương phẩm, bị xếp vào loại “hàng dạt”, giá bán rất thấp. Nếu trời mưa, hoặc mưa nắng xen kẽ, ẩm độ cao, vết bệnh có thể bị nấm bệnh khác xâm nhiễm làm cho vết bệnh nặng thêm, làm cho cành, trái bệnh bị hư thối.
Qua khảo sát cho thấy bệnh xuất hiện ở hầu hết các vườn thanh long của huyện, bệnh thường gây hại nặng trên những vườn có chân đất thấp, thoát nước kém và đặc biệt là những vườn có sử dụng phân gà chưa được ủ hoai. Bào tử nấm bệnh có thể phát tán theo gió, theo nước nên việc quản lý bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Những vườn bị bệnh nặng có thể thiệt hại đến 50%. Một số vườn thanh long cao ráo, thoát nước tốt, bón phân cân đối, có sử dụng phân chuồng hoai hoặc hữu cơ vi sinh… ít thấy bệnh hơn.
Bệnh “đốm trắng” được ghi nhận là đã xuất hiện ở tỉnh Bình Thuận từ năm 2009, sau đó xuất hiện ở các vườn trồng thanh long tại tỉnh Tiền Giang, Long An. Đến nay bệnh đã lây lan ra diện rộng và gây thiệt hại lớn cho người trồng thanh long.
Các cơ quan chức năng đã nghiên cứu nhưng đến nay chỉ mới xác định tác nhân gây bệnh này là do nấm nhưng chưa định danh được. Nhiều nhà vườn đã sử dụng rất nhiều loại thuốc trừ nấm khác nhau, thậm chí hỗn hợp nhiều loại thuốc trừ nấm với nồng độ cao nhưng đều không đạt được kết quả như mong muốn.
Biện pháp phòng trừ:
Do đặc điểm gây hại của bệnh giống triệu chứng do nấm gây ra, nên trong tình hình hiện nay, nông dân cần chủ động phòng là chính với các biện pháp tổng hợp như sau:
- Thoát nước tốt cho vườn thanh long.
- Thường xuyên thăm vườn, kịp thời phát hiện các cành, trái bị bệnh để cắt bỏ. Gom các cành, trái bị bệnh tiêu hủy.
- Tuyệt đối không được vứt bỏ cành, trái bị bệnh xuống nguồn nước vì sẽ làm bệnh lây lan nhanh.
- Hạn chế tưới nước mương lên tán thanh long, nhất là sau khi trời mưa.
- Không bón phân gà tươi hay bột xơ dừa cho vườn thanh long.
- Sử dụng phân chuồng hoai và nấm đối kháng Trichoderma hoặc phân hữu cơ vi sinh.
- Bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali. Không bón thừa phân đạm.
Các biện pháp trên không thể trừ được bệnh “đốm trắng” nhưng nếu nông dân chủ động và tích cực phòng trừ sẽ giúp hạn chế tối đa tác hại và sự lây lan của bệnh hại.