Sáng ngày 21/6/2013, tại Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng nghiệm thu đề tài Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh năm 2013 họp đánh giá và nghiệm thu đề tài “Biện pháp quản lý ruồi hại quả trên diện rộng cho 3 nhóm quả thuộc tỉnh Tiền Giang có tiềm năng xuất khẩu, nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm quả, đáp ứng tiêu chuẩn vùng cung ứng quả tươi, nhiễm ruồi thấp, để xuất khẩu cho thị trường Bắc Mỹ và các thị trường khác”, do Thạc sĩ Lê Quốc Điền làm chủ nhiệm đề tài, Viện Cây ăn quả miền Nam là cơ quan chủ trì. | |
Thạc sĩ Lê Quốc Điền đang triển khai các biện pháp phòng trừ ruồi hại quả gây hại trên cây nhãn. |
Đề tài đã thực hiện đúng mục tiêu đề ra như xác định thành phần loài ruồi hại quả họ Tephritiade tại Tiền Giang có 05 loài, trong đó có 03 loài gây hại cho 09 loại quả có tiềm năng xuất khẩu của Tiền Giang như loài ruồi B.dorsalis gây hại thanh long, chôm chôm, nhãn, vú sữa, sapô, bưởi lông cổ cò, sơ ri, mãng cầu xiêm; ruồi B.correcta gây hại thanh long, nhãn, vú sữa, sapô, sơ ri, mãng cầu xiêm; ruồi B.carambolae gây hại thanh long, sơ ri, xoài; xây dựng được quy trình phòng trừ ruồi hại quả trên diện rộng bằng bả protein, quy trình quản lý tổng hợp ruồi hại quả; mô hình quản lý ruồi hại quả trên diện rộng khống chế tác hại của ruồi tại các vùng trọng điểm trồng 09 loại trái cây (thanh long, chôm chôm, nhãn, vú sữa, xoài, sapô, bưởi lông cổ cò, sơ ri, mãng cầu xiêm) phục vụ cho xuất khẩu với tổng diện tích 350 ha/năm và thực hiện trong 02 năm, bằng biện pháp phun bả SOFRI Protein kết hợp với biện pháp tiêu diệt ruồi đực để phòng trừ ruồi cho một lứa của 09 loại quả, tỉ lệ quả bị hại ở mô hình này giảm dưới 3%; tập huấn cho 20 cán bộ kỹ thuật, 1.500 nông dân và các tổ chức sản xuất kinh doanh về quản lý ruồi hại quả và biện pháp phòng trừ; nghiên cứu quy trình quản lý ruồi hại quả ở các vùng trồng thanh long, xoài và cung cấp thông tin đầy đủ danh sách dịch hại cho phía Mỹ, Newzealand, được cấp 08 mã số hàng, mã số vùng thanh long xuất vào thị trường Mỹ và 02 mã số hàng, mã số vùng xuất trái xoài vào thị trường Newzealand.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao hiệu quả của đề tài; sản phẩm của đề tài phục vụ thiết thực nhằm xây dựng vùng trái cây trung tâm (trọng điểm) cho 09 loại quả có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh. Hội đồng nghiệm thu đề nghị chủ nhiệm đề tài viết lại báo cáo cho đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu; phần kiến nghị có đề xuất giao cho cơ quan/tổ chức triển khai, nhân rộng đề tài.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại A.