Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Ngành thủy sản gặp nhiều thách thức trong 6 tháng cuối năm
(Ngày đăng: 22/06/2013)

Bên cạnh một số cơ hội mở ra thì những thách thức cho ngành thủy sản Việt Nam trong 6 tháng cuối năm vẫn còn rất lớn.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã không còn quá khó khăn như những tháng đầu năm, nhưng để doanh nghiệp có thể khôi phục lại sản xuất thì vấn đề quan trọng nhất hiện nay không phải là vốn mà là thị trường.

Vì vậy, hiện các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục tái cơ cấu lại hoạt động xuất khẩu, điều chỉnh lại thị trường. Nhiều doanh nghiệp đang tập trung để khai thác tốt các thị trường truyền thống nhằm xoay nhanh dòng vốn và giải quyết vấn đề hàng tồn kho.

Về cơ hội, chúng ta đã có được một bước hạ lãi suất thấp hơn từ ngân hàng, vấn đề vốn vay sẽ có nhiều thuận lợi. Đối với vấn đề thị trường thì Quốc hội Mỹ thông qua việc không áp dụng chương trình thanh tra, giám sát đối với cá da trơn; Nhật Bản bỏ chế độ kiểm tra Trifluralin, một hoạt chất diệt cỏ sử dụng trong cải tạo môi trường nuôi thủy sản đối với 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam,… sẽ tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường này.

Tuy nhiên, về khó khăn, thách thức thì rõ ràng chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là vấn đề áp thuế chống trợ cấp đối với tôm của nước ta tại thị trường Mỹ hiện đang chờ kết quả trong tháng 8 tới; tình trạng bỏ ao cũng như thiếu hụt tôm do vấn đề dịch bệnh.

Dự báo về tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đặc biệt đối với 2 ngành chủ lực là tôm và cá tra trong năm nay, ông Trương Đình Hòe cho biết: Với tôm, dự kiến đạt giá trị xuất khẩu khoảng 2,4 tỷ USD trong năm 2013. Đây là mục tiêu khá khó khăn trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, việc một số quốc gia lân cận cũng đang phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu tôm cũng sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu tôm đạt được con số đề ra.

Đối với cá tra, một vấn đề nan giải hiện nay là giá thành nuôi vẫn cao hơn so với giá cá tra nguyên liệu, khiến người nuôi không yên tâm, bỏ ao, làm suy giảm về sản lượng. Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 5 tháng qua chỉ đạt khoảng 670 triệu USD, giảm 6,7% so cùng kỳ năm ngoái.

Các thị trường nhập khẩu cá tra chính của Việt Nam đều giảm, trong đó EU giảm 17%, Mexico giảm 7,3%, Colombia giảm 3,4%. Dự kiến, xuất khẩu cá tra chưa thể tăng trưởng do ảnh hưởng bởi rào cản thuế từ thị trường Mỹ và những khó khăn từ thị trường Châu Âu. Tuy nhiên, nếu thị trường Châu Âu hồi phục sớm cũng có khả năng sẽ đẩy nhu cầu lên, giúp cho xuất khẩu cá tra phục hồi.

Theo kế hoạch đề ra, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 6,5 tỷ USD trong năm 2013, thì đến nay mục tiêu còn lại cho 6 tháng cuối năm là khoảng 3,5 tỷ USD. Mục tiêu này khó có khả năng đạt được nhưng cũng không thể nói là không thể.

Với một số dấu hiệu phục hồi về thị trường trong tháng 4 và tháng 5, cũng như sự bức phá của hoạt động xuất khẩu hải sản, đặc biệt là xuất khẩu cá ngừ trong 6 tháng đầu năm cũng có thể tạo ra mức cân bằng để đảm bảo cho kế hoạch xuất khẩu thủy sản trong năm nay.

Báo An Giang online
Tin liên quan