GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương cho biết hiện tỷ lệ thành công trong điều trị các bệnh máu bằng tế bào gốc tại Việt Nam đạt tỷ lệ 65-75%; ghép tế bào gốc điều trị các bệnh lý khác thì tỷ lệ thành công cũng khá cao, đặc biệt là nhóm bệnh lý xương khớp, trên 80%. | |
Ảnh minh họa |
Ở Việt Nam các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng ghép Tế bào gốc xuất hiện sớm nhất là trong lĩnh vực Huyết học-Truyền máu.
Từ năm 1995, nhóm các cán bộ khoa học tại Trung tâm Truyền máu-Huyết học (nay là Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TP.HCM) đã ghép tế bào gốc tủy xương cho một bệnh nhân 26 tuổi. Đến nay, sau 18 năm bệnh nhân vẫn còn sống hoàn toàn khỏe mạnh, đã có vợ và 2 con. Đây là trường hợp ghép tế bào gốc thành công đầu tiên ở Việt Nam. Từ đó đến nay, bệnh viện Truyền máu-Huyết học TP.HCM đã triển khai nghiên cứu, thu thập và ghép tế bào gốc để điều trị các bệnh lý cơ quan tạo máu.
Số lượng các ca bệnh được tiến hành ghép tế bào gốc tại các bệnh viện của Việt Nam, liên tục tăng lên, đặc biệt là những người mắc bệnh hiểm nghèo về máu. Từ năm 2006 đến tháng 1/2013, trên phạm vi cả nước, đã có 212 ca bệnh nhân bị bệnh máu đã được điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc.
Tế bào gốc được nghiên cứu ứng dụng điều trị nhiều bệnh lý nan y như: tim mạch (nhồi máu cơ tim cấp, tắc mạch chi); thần kinh (bại não trẻ em, liệt tủy, xuất huyết não cấp, Pakinson, Alzeimer); nội tiết (đái tháo đường type I, II); xương khớp (các tổn thương xương lâu liền, khớp giả, thoái hóa khớp gối, thoái hóa chỏm xương đùi); các bệnh tự miễn (Lupus, Crohn); Các tổn thương da và niêm mạc (do bỏng, đái tháo đường, tì đè, hoặc do sẹo loét giác mạc,…). |
Hiện, trung bình mỗi ca ghép tế bào gốc tự thân chi phí khoảng 180-220 triệu đồng, ghép tế bào gốc đồng loại khoảng 300-380 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với chi phí điều trị ở nước ngoài. Tuy nhiên, các hoạt động điều trị bằng tế bào gốc ở nước ta khá mới mẻ, nhiều quy định pháp lý còn chưa hoàn thiện như: giấy phép hoạt động, quy trình chuyên môn kỹ thuật, bảo hiểm y tế, giá cả, mua bán chuyển nhượng tế bào gốc, quyền lợi, trách nhiệm của người hiến, người nhận tế bào gốc, và cả vấn đề thuốc, hóa chất sinh phẩm cho ghép.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho phương pháp điều trị hiện đại này ngày càng phổ biến tại Việt Nam, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cũng không thể thiếu những cơ chế, chính sách dành cho công tác nghiên cứu, hợp tác quốc tế, đào tạo, phát triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực tế bào gốc.