Cần tăng cường quản lý để vực dậy ngành cá tra nhiều lợi thế
(Ngày đăng: 23/05/2013)
Cách nay hơn 8 năm, cá tra từng được xem là “con cá vàng” của vùng ĐBSCL do mỗi hecta nuôi cá tra có thể đạt lợi nhuận hàng tỷ đồng. Các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu trong giai đoạn này cũng lãi cao với giá bán cá tra philê trên đạt 3 USD/kg, hàng loạt nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu đua nhau mọc lên, hàng năm mang về hàng tỷ đô la cho đất nước. Tuy nhiên, khi ngành cá tra phát triển quá nhanh nhưng sự quản lý của nhà nước chưa được chặt chẽ đã đẩy ngành cá tra vào tình trạng bất ổn mà nếu không nhanh chân sẽ mất cơ hội vực dậy ngành hàng nhiều lợi thế này. | |
Nếu không nhanh chân sẽ mất cơ hội vực dậy ngành cá tra nhiều lợi thế (ảnh chụp xã Tâm Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) |
Lợi thế đặc thù
Trong suốt hành trình dài hơn 4.800 km bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) đi ngang qua 6 nước Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam rồi đổ ra biển Đông, sông Mêkông đã ban phát biết bao lợi ích to lớn cho gần 90 triệu người thuộc hơn 100 dân tộc. Điều đáng chú ý, vào đầu thế kỷ thứ 21, các nhà khoa học đã khẳng định vùng ĐBSCL thuộc vùng hạ lưu sông Mêkông chính là “vùng nước vàng” cho năng suất nuôi cá tra lớn nhất thế giới.
Thực tế cũng cho thấy, hiện nay hoạt động nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu hầu như chỉ thực hiện được ở vùng ĐBSCL. Khi bước ra ngoài “vùng nước vàng” này thì mọi hoạt động liên quan đến con cá tra gần như không thể mang lại kết quả như mong đợi. Bên cạnh đó, cá tra phát triển tối ưu trong điều kiện nhiệt độ trên 250C, dưới ngưỡng này cá tra sẽ chậm lớn và bỏ ăn; chính vì vậy, cá da trơn nuôi ở Mỹ, Trung Quốc phải nuôi khoảng 2 năm mới đạt kích cỡ thương phẩm, còn cá tra nuôi ở ĐBSCL chỉ cần 6-8 tháng là cá đủ tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu.
Nhận thấy tiềm năng từ con cá tra mang lại là rất lớn, nhiều nước ngang vĩ độ, có cùng điều kiện thời tiết, khí hậu như Việt Nam đã mày mòn nghiên cứu nuôi cá tra nhưng điều chưa thành công. Chỉ có một nguyên nhân duy nhất dẫn đến thất bại này đó là điều kiện tự nhiên: Philippines không có sông lớn như sông Mêkông, còn Thái Lan chỉ có nhánh sông Mêkông chảy qua nên tài nguyên nước không dồi dào như vùng ĐBSCL của Việt Nam.
Đánh giá về lợi thế canh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này đã nhận xét, đó là sự khác biệt dựa trên nền nông nghiệp, trong đó con cá tra có thể xem là sự khác biệt mang tính tối ưu. Bởi cho đến nay, nhiều quốc gia có đặc điểm khí hậu tương tự như Việt Nam đã bắt đầu nuôi cá tra nhưng không thể nào cho năng suất cao đến mức 300-400 tấn cá/ha, kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ đô la mỗi năm như vậy.
Nếu làm bài toán so sánh về giá trị trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu có lợi thế của Việt Nam có thể dễ dàng nhận thấy các sản phẩm từ cá tra có giá trị cao nhất. Chẳng hạn, giá trị xuất khẩu 1 tấn gạo của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 400 USD, trong khi 1 tấn cá tra philê xuất khẩu có thể đạt giá cao hơn gần 10 lần, đạt hơn 3.000 USD (hơn 3 USD/kg).
Từ nửa cuối thế kỷ 20, dưới áp lực của biến đổi khí hậu các nhà khoa học đã khuyến khích người tiêu dùng nên chuyển từ ăn thịt sang ăn cá, bởi chăn nuôi được xem là một trong những nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính… Mặt khác, các sản phẩm từ cá có chứa các chất dinh dưỡng (protein, vitamin, khoáng chất) rất tốt cho hệ tiêu hóa và tim mạch, đặc biệt cá có nhiều axít béo Omega - 3 rất cần thiết cho quá trình phát triển não bộ. Chính những điều này đã kích thích sự gia tăng tiêu thụ các sản phẩm từ cá của người tiêu dùng trên thế giới, từ đó đã tạo cơ hội cho nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu của Việt Nam.
Rơi vào tình trạng bất ổn
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, trong vòng 12 năm qua, ngành cá tra Việt Nam đã có sự tăng trưởng “thần tốc” với sản lượng cá tra tăng gấp 50 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 65 lần. Cá tra Việt Nam đã có mặt trên gần 140 quốc gia và cùng lãnh thổ trên thế giới, và chiếm tới hơn 90% sản lượng cá tra toàn cầu. Với gần 6.000 ha mặt nước nuôi cá tra cùng với hệ thống nhà máy chế biến trang bị hiện đại phân bố khắp các tỉnh ĐBSCL đã tạo ra việc làm cho hàng trăm ngàn lao động tại địa phương. Năm 2012, cá tra Việt Nam đã xuất khẩu sang 136 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,8 tỷ USD.
Mặc dù, ngành cá tra đã có sự phát triển thần kỳ nhưng theo các nhà chuyên môn thì vẫn còn thiếu sự quản lý của nhà nước dẫn đến tình trạng nuôi tự phát, nhà máy chế biến xây dựng hàng loạt, thiếu liên kết, làm mất cân đối cung cầu, giá cả không ổn định… Thực tế sản xuất ngành cá tra những năm qua cho thấy, khi giá cá tăng cao thì người dân, doanh nghiệp dù nắm kỹ thuật nuôi hay không đều ào ào kiếm đất đầu tư nuôi cá tra dẫn đến sản lượng tăng vọt. Đến khi giá cá sụt giảm thì lại đua nhau bán ra dẫn đến tình trạng dư thừa khiến giá cá đã thấp lại càng thấp. Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến lại đua nhau mọc lên không theo một quy hoạch nào, làm dư thừa công suất, lãng phí vốn đầu tư. Doanh nghiệp xuất khẩu thì cạnh tranh bằng giá làm rối ren cả thị trường trong và ngoài nước…
Qua các cuộc hội nghị bàn giải pháp phát triển ngành cá tra, các nhà quản lý đều cho rằng, điều cơ bản mà ngành cá tra đang thiếu là sự quản lý toàn diện chuỗi ngành hàng từ sản xuất, tiêu thụ cho đến chế biến xuất khẩu. Cụ thể, cần phải quản lý chất lượng cá tra bố mẹ, sản lượng và chất lượng cá giống; chất lượng và giá thức ăn, thú y thủy sản; sản lượng nuôi, chất lượng sản phẩm; giá nguyên liệu, giá bán thành phẩm ra nước ngoài… Tất cả các chuỗi sản xuất này đều phải được điều tiết vì một thương hiệu quốc gia, vì lợi ích lâu dài, bền vững của toàn ngành cá tra.
Tăng cường quản lý
Tại cuộc họp góp ý dự thảo Nghị định về sản xuất và xuất khẩu cá tra do Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius) tổ chức tại Thành phố Cần Thơ vừa qua, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cũng cho biết, trong những năm qua, ngành cá tra Việt Nam phát triển rất nhanh nhưng quản lý không tốt dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá bán cá tra trên thị trường luôn ở mức thấp. Để tháo gỡ khó khăn này cần phải rà soát lại quy hoạch nuôi cá tra theo hướng gắn quy hoạch với yêu cầu thị trường.
Cũng theo hướng này, dự thảo Nghị định quản lý sản xuất và xuất khẩu cá tra lần này cũng đã được đưa vào nhiều quy định mới để tăng cường quản lý nhằm đảm bảo lợi ích của toàn chuỗi, đưa ngành cá tra phát triển ổn định và bền vững. Theo đó, địa điểm, diện tích, sản lượng của cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải nằm trong quy hoạch nuôi cá tra được UBND cấp tỉnh phê duyệt. Trước khi thả nuôi, cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải đăng ký diện tích nuôi, thời gian nuôi và sản lượng nuôi với Hiệp hội Cá tra Việt Nam.
Cá tra nguyên liệu cũng sẽ được giao dịch dựa trên giá sàn, đây là mức giá được xác định bằng cách lấy giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu trung bình và đảm bảo lợi nhuận hợp lý của người nuôi cá tra thương phẩm, diễn biến của thị trường cá tra trong nước và quốc tế. Căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính, Hiệp hội Cá tra Việt Nam xây dựng và công bố giá sàn cá tra nguyên liệu trong từng thời kỳ làm căn cứ cho các cơ sở chế biến, xuất khẩu cá tra đàm phán, ký kết hợp đồng mua cá tra nguyên liệu…
Thành Công
Tin liên quan
Sáng chế thiết bị lột vỏ quả dừa khô tiện dụng (27/06/2023)