Tăng cường phòng chống CORONA VIRUS
(Ngày đăng: 23/05/2013)
Năm 2003, cả thế giới phải lo lắng một loại dịch bệnh mới xuất hiện, đó là dịch bệnh SARS (Severe Acute Respiratory Syndrome) tức Hội chứng hô hấp cấp nghiêm trọng do Coronavirus gây ra, đã hoành hành tại 32 quốc gia. Sau đó, dịch bệnh SARS dường như đã được khống chế trong suốt gần 10 năm qua, kể từ ngày 5/7/2003, với tổng số mắc và tử vong trên thế giới 8.422/916; tỷ lệ tử vong là 11%. | |
Virus CORONA |
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, từ tháng 9/2012 đến ngày 15/5/2013, trên thế giới đã ghi nhận 40 trường hợp nhiễm chủng mới của virus Corona (nCov), trong đó có 20 trường hợp tử vong tại 6 quốc gia (Pháp, Đức, Anh, Jordan, Quatar và Ả Rập Xê Út). Kết quả điều tra các ổ dịch cho thấy virus có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần. Đặc biệt, ngày 15/5/2013, Ả Rập Xê Út ghi nhận 02 trường hợp nhiễm chủng mới của Coronavirus là nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus này. Đây là lần đầu tiên nhân viên y tế được chẩn đoán nhiễm chủng mới của Coronavirus sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. Bộ Y tế cho biết, đến nay chưa phát hiện Coronavirus tại Việt Nam.
Nơi bắt nguồn của Corona virus
Chuyên gia Arnaud Fontanet thuộc Viện nghiên cứu Pasteur tại Pháp hôm 14/5/2013 đưa ra nhận định Coronavirus đang ở giai đoạn bắt đầu lan truyền rộng rãi trong cơ thể người. Nếu kịch bản giống như virus SARS hồi năm 2003, thì đây sẽ là giai đoạn khởi đầu của một đại dịch. Chính vì vậy, giữa tháng 5/2013, Bộ Y tế đã cảnh báo và chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh phải tăng cường phòng chống chủng mới của Coronavirus. thông qua tăng cường công tác truyền thông và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh vào nước ta qua các cửa khẩu, đặc biệt là hành khách từ các nước đã ghi nhận có bệnh nhân
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc viện Pasteur, Coronavirus có thể bắt nguồn từ loài dơi. Tuy nhiên, nhiều khả năng là nó không lây nhiễm trực tiếp từ dơi sang người mà phải qua một động vật trung gian. Đường lây truyền từ người sang người được biết là qua hạt nước bọt, dịch hô hấp do hắt hơi của người bệnh sang người lành.
Các triệu chứng lâm sàng ban đầu của SRAS là: sốt cao trên 380C, ho khan, khó thở hoặc thở nhanh nông. Để chẩn đoán ca bệnh SARS thì đó là các trường hợp ca bệnh nghi ngờ (tức người đi từ vùng dịch tễ có các triệu chứng lâm sàng như trên) cộng thêm với dấu hiệu trên X quang có biểu hiện viêm phổi và tổn thương trên X quang thay đổi nhanh hoặc có các dấu hiệu của hội chứng suy hô hấp cấp.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Cách tốt nhất để phòng tránh nhiễm SARS là tuyệt đối không tiếp xúc với người bệnh, không đi đến khu vực có dịch, đồng thời phải thực hiện tốt vệ sinh cá nhân bao gồm rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng, không dùng tay giụi mắt, ngoáy mũi và đưa vào miệng khi chưa rửa sạch, khi ho hay hắt hơi cần dùng khăn tay hoặc giấy che miệng và mũi lại, đeo khẩu trang khi tiếp xúc nơi đông người. Ngoài ra cần ăn uống đầy đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý và tập thể dục đều đặn, giữ cho cơ thể khỏe mạnh và tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
BS CKII Trần Thanh Thảo
Tin liên quan