Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Chương trình công nghệ sinh thái và bảo tồn ong mật
(Ngày đăng: 15/05/2013)

Vừa qua, được sự thống nhất của Cục Bảo vệ Thực vật và Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam tổ chức buổi sơ kết Chương trình Công nghệ sinh thái và Bảo tồn Ong mật.
TS Heong - nhà côn trùng học của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI phát biểu tại hội nghị.
Đến dự Hội nghị có TS Heong - nhà côn trùng học của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI; TS Escalada - chuyên viên Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế IRRI; TS Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật; TS Nguyễn Văn Khang – Phó Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang; TS Đinh Quyết Tâm - Chủ tịch Hiệp Hội ong mật Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Hằng - PCT, kiêm tổng thư ký Hội nuôi ong mật VN- TGĐ công ty Cổ phần Ong mật Trung ương; TS Võ Mai – Phó chủ tịch Hội làm vườn VN cùng đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh phía Nam, một số tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên; lãnh đạo các Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh phía Nam; lãnh đạo các Viện, Trường Đại Học các tỉnh phía Nam; các công ty cổ phần ong mật các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP HCM, các tỉnh ĐBSCL và những người nuôi ong mật tại ĐBSCL.
Đại biểu tham dự Hội nghị
 
 
“Cộng đồng quản lý dịch hại trên lúa bằng Công nghệ sinh thái” đã ứng dụng thành công tại tỉnh Tiền Giang đầu tiên từ vụ Đông Xuân 2009-2010. Tiền Giang là tỉnh được Tiến sỹ Heong chọn làm nhiều hoạt động để phục vụ cho mô hình như tập huấn “TOT’ để triển khai, “Phát họa vật liệu thông tin”, “Ngày phát động chương trình công nghệ sinh thái”, đặc biệt là “Ngày Phụ nữ và Hoa- ngày 8 tháng 3 năm 2012”. Hiện nay, chương trình này đã được nhiều tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long triển khai. Riêng tại tỉnh Tiền Giang, sau 3 năm thực hiện đã có 100% các huyện, thị ứng dụng mô hình này để quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá nói riêng và các dịch hại khác nói chung, với hơn 1.500 ha ứng dụng và có hơn 500 hộ gia đình tham gia. Kết quả từ mô hình cho thấy, nông dân đã tăng được thu nhập từ việc tiết kiệm các lần phun thuốc trừ sâu rầy không hợp lý, chưa cần thiết, năng suất vẫn ổn định mà đặc biệt là nông dân đã tạo ra được một “Hệ sinh thái ruộng lúa khỏe”, hệ sinh thái luôn được cân bằng, đảm bảo an toàn cho người trực tiếp sản xuất, người tiêu thụ, cũng như môi trường, từ đó hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất bền vững thích nghi với những điều kiện bất lợi do biến đổi khí hậu hiện nay.
 
Hiện tại, Tiền Giang đã có phương án áp dụng mô hình này để triển khai song song với mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” từ nay cho đến năm 2015 và những năm tiếp theo.
 
Mô hình “Công nghệ sinh thái” hay còn gọi là “Ruộng lúa – Bờ hoa” đã mang lại văn hóa trong nông nghiệp và nông thôn, góp phần phục vụ cho chương trình “Xây dựng nông thôn mới”. Bên cạnh những mặt được, chương trình này cũng có những mặt tồn tại cần được nghiên cứu khắc phục như sau khi thu hoạch, nông dân thường đốt đồng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của hoa cho vụ kế tiếp hay ở những vùng thiếu nước như vùng ven biển Gò Công, Chợ Gạo thì trong mùa nắng khô hạn rất khó trồng hoa hoặc vùng bị ngập lũ hàng năm như các huyện ở phía Tây của tỉnh gồm có Châu Thành, Tân Phước, Cai Lậy và Cái Bè, khi lũ về thì hoa bị ngập chết, nông dân phải trồng lại hàng năm, chúng ta cần nghiên cứu để trong thực tiễn có biện pháp khả thi hơn.
Mặt khác, mục đích của việc trồng hoa trên bờ ruộng là để dẫn dụ thiên địch đến ngay từ đầu vụ lúa làm hạn chế quần thể dịch hại ở các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của lúa về sau, trong quần thể thiên địch này thì có nhóm Ong ký sinh trứng sâu rầy rất hữu hiệu. Tuy nhiên, họ hàng của Ong ký sinh còn có Ong mật thường đến nhiều nhất và nông dân dễ thấy nhất, từ đó Ong mật cũng xuống ruộng khi lúa trổ hoa để chúng lấy phấn hoa. Nhiều nông dân cho rằng khi Ong mật xuống ruộng lúa lấy phấn hoa sẽ làm cho lúa lép và gây thất thoát năng suất và sản lượng, đôi khi nông dân sử dụng thuốc hóa học để phòng trị, hoặc đuổi những nhà nuôi Ong mật đi nơi khác.
Ong mật là loài côn trùng có ích, ngoài việc thụ phấn hoa cho cây trồng chiếm đến 80% trong các loài thụ phấn, thì Ong mật còn cho mật ong là nguồn dinh dưỡng rất quý giá, nguồn thu nhập ngoại tệ rất cao, Tiền Giang hiện có khoảng 260 trại nuôi Ong mật và sản lượng mật ong hàng năm hơn 6.000 tấn.
 Nhiều tham luận của các nhà khoa học tại hội nghị nhằm đưa ra những luận chứng sâu hơn để có những cơ sở khoa học chính xác hơn, ngoài việc đẩy mạnh chương trình “Công nghệ sinh thái” ngày một rộng hơn, còn bảo vệ đàn Ong mật thụ phấn cho cây trồng, giúp tăng năng suất và chất lượng cho cây trồng, còn giúp các nhà nuôi Ong mật ổn định được địa bàn nuôi Ong và tăng thu nhập.
Ánh Tuyết
Tin liên quan