Thời gian gần đây, thông tin về dịch cúm A H7N9 làm cho nhiều người dân quan tâm và lo lắng. Đến thời điểm 11/4/2013, Trung Quốc đã có tổng cộng 33 trường hợp nhiễm cúm A H7N9, trong đó đã có 09 trường hợp tử vong, tỷ lệ tử vong khá cao 27,7%. Với những diễn biến dịch bệnh đang xảy ra ở Trung Quốc hiện nay thì khả năng bệnh trên xâm nhập vào Việt Nam rất lớn. | |
Phòng xét nghiệm virus cúm tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương |
Bởi vì, Việt Nam có chung đường biên giới khá dài với Trung Quốc và đặc biệt, cúm A H7N9 cũng có khả năng lây sang Việt Nam qua một số chim hoang dã. Việt Nam có nhiều kinh nghiệm đối phó với các bệnh trên như dịch SARS (năm 2003), dịch cúm A H5N1 (năm 2004), cúm A H1N1 (năm 2009). Tuy nhiên, mỗi loại bệnh dịch thì có một đặc điểm khác nhau, nên chúng ta không được phép chủ quan, lơ là.
Trong số các loại cúm A, có hai loại có khả năng lây từ người sang người đó là cúm A H1N1 gây dịch từ năm 2009 và cúm A H3N2. Trước đây, cúm A H7N9 chưa từng xuất hiện trên người, chỉ có trên gia cầm và một số loài chim. Hiện nay, virus cúm A H7N9 có khả năng gây nhiễm cho người dẫn đến viêm phổi nặng và tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Điều đáng lo lắng nhất hiện nay là đường lây truyền của bệnh từ động vật sang người vẫn chưa xác định được. Do đó, hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, không có vaccine phòng bệnh. Vì vậy, nếu virus cúm A H7N9 lây lan mạnh mẽ giữa động vật với người hay từ người sang người thì điều đó là cực kỳ nguy hiểm và có thể trở thành một đại dịch.
Theo Hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh cúm A H7N9 tại Quyết định số 1128/QĐ-BYT ngày 06/4/2013 của Bộ Y tế, ca bệnh nghi ngờ bệnh cúm A H7N9 là các trường hợp tiếp xúc với gia cầm, chim bị bệnh, chết (nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển, chế biến) trong vòng 2 tuần; tiếp xúc gần với ca nghi ngờ hoặc ca bệnh nhiễm virus cúm A H7N9. Bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp: ho, sốt, khó thở, tổn thương phổi tiến triển nhanh không tìm thấy do các căn nguyên khác gây viêm phổi. Các ca bệnh nghi ngờ đều cần được khám tại viện, cách ly và làm xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán. Tất cả những người bệnh nghi ngờ mắc bệnh phải mang khẩu trang ngoại khoa khi ở trong buồng bệnh cũng như khi đi ra ngoài buồng bệnh. Khi đã chẩn đoán xác định bệnh, cần phải nhập viện điều trị và cách ly hoàn toàn.Để khẳng định bệnh nhân có bị nhiễm cúm A H7N9 phải dựa vào kết quả xét nghiệm bệnh phẩm bằng xét nghiệm PCR/giải trình tự gen/phân lập virus cúm A H7N9.
Bệnh cảnh lâm sàng do virus cúm A H7N9 gây ra chủ yếu là hội chứng suy hô hấp cấp, suy đa tạng với tỷ lệ tử vong cao, vì vậy cần phân biệt cúm do H7N9 với các bệnh cúm khác như H5N1, H1N1, viêm phổi khác, bệnh tay chân miệng có biến chứng suy hô hấp, viêm phổi nặng do vi khuẩn. Bệnh nhân cần được sử dụng thuốc kháng virus Oseltamivir hoặc Zanamivir càng sớm càng tốt. Những bệnh nhân sốt trên 38,5độ thì sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol với liều 10-15 mg/kg ở trẻ em, với người lớn không quá 2 g/ngày. Trường hợp bệnh nhân bị bội nhiễm phế quản phổi thì nên dùng kháng sinh có hiệu lực với vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện. Những trường hợp nặng, đáp ứng chậm với thuốc kháng virus có thể dùng liều gấp đôi với thời gian điều trị có thể kéo dài đến 10 ngày hoặc đến khi xét nghiệm virus trở về âm tính. Tuy nhiên cần theo dõi chức năng gan, thận để điều chỉnh liều lượng phù hợp.
5 khuyến cáo phòng chống cúm A H7N9 tại cộng đồng
1.Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sỗ mũi bằng khăn giấy hoặc vệ sinh tay, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
2. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.
3. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Tiêu chuẩn được xuất viện đối với người nhiễm cúm A H7N9 khi hết sốt là 5-7 ngày và mạch, huyết áp, nhịp thở, các xét nghiệm máu trở về bình thường. Sau khi xuất viện, người bệnh phải tự theo dõi nhiệt độ 12 giờ/lần, nếu nhiệt độ cao hơn 38 độ ở 2 lần đo liên tiếp hoặc có dấu hiệu bất thường khác phải đến khám lại ngay tại nơi đã điều trị.