Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Phản biện cần có chỗ đứng lâu dài trong xã hội
(Ngày đăng: 29/05/2012)
PGS. TS Phạm Bích San cho rằng, cần đảm bảo các điều kiện để cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có chỗ đứng lâu dài trong xã hội.
Phản biện là để phân tích sâu sắc thêm, để người trong cuộc thấy rõ vấn đề hơn khi đưa ra quyết định. Thế nhưng, không phải khi nào khái niệm này cũng được hiểu và sử dụng đúng nghĩa.

Cần phải xây dựng kỹ thuật đúng chuẩn của công tác phản biện, tư vấn và giám định xã hội, trang bị các phương pháp, kỹ năng để tập huấn cho Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật (LHH) địa phương, hội chuyên ngành là giải pháp mà LHH Việt Nam đang liên kết với ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện. PGS. TS. Phạm Bích San, Giám đốc Văn phòng Hỗ trợ tư vấn phản biện và giám định xã hội (LHH Việt Nam) cho biết: “Sẽ đưa việc tập huấn này trở thành một hoạt động chính quy”.

Đồng thuận chưa hẳn đã tốt

Câu chuyện về ông chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn General Motors cho dừng cuộc họp khi không có ý kiến trái chiều là một ví dụ điển hình cho việc trưng cầu ý kiến tập thể. Trong cuộc họp đó, ông quyết định đưa ra một quan điểm mới cho sự phát triển của tập đoàn. Các thành viên tham dự cuộc họp này đã đồng loạt đồng ý. Không hài lòng, ông cho dừng cuộc họp với lý do các thành viên đã vội vàng đồng ý khi chưa có một suy nghĩ thấu đáo về quyết định mới của ông. Trong khi, mong muốn của vị chủ tịch hội đồng quản trị là lắng nghe các ý kiến phản biện để loại bỏ những yếu tố dẫn đến sai sót trong quyết định sắp ban hành. Xem ra những hành động tương tự như thế này ở Việt Nam vẫn còn khan hiếm.

Lý giải về sự khan hiếm này, TS Tô Bá Trọng cho rằng: “Còn nhiều nhà khoa học của Việt Nam khi tham gia phản biện đã tự cho mình là người biết tất cả mọi vấn đề. Vì vậy, khi được hỏi ý kiến đã đưa ra những quan điểm của cá nhân nhưng lại nhân danh tổ chức. Trong khi đó, ý kiến chưa được thông qua tại đơn vị, vì thế dần dần người ta ngại ngùng mỗi khi nhắc đến cụm từ phản biện”.

Đưa ra ví dụ khi phản biện về dự án Thủy điện Sơn La, TS Tô Bá Trọng kể: "Khi đó, gần 60 nhà khoa học đang “vắt óc” để đưa ra những bằng chứng xác đáng nhất cho những luận điểm phản biện dự án, có một vị giáo sư đáng kính đã có một bài viết “Không nên làm thủy điện Sơn La”. Bài viết đã lên khuôn của một tờ báo nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là quan điểm cá nhân, vì vậy sau đó đã được gỡ xuống. Tôi đưa ra ví dụ này chỉ là để minh chứng, khi ai đó đưa ra quan điểm của mình cũng cần thận trọng và phải biết tự chịu trách nhiệm. Giữa việc tự do tư tưởng và hoạt động chính trị là hoàn toàn khác nhau”.

Đồng tình với quan điểm này, GS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam góp ý: “Thời gian vừa qua đúng là có người đã quá đà trong khâu phản biện, nhưng cũng không nên vì thế mà hạn chế công tác này vì đồng thuận tất cả chưa hẳn đã tốt”.

Phản biện phải được coi là một hoạt động chuyên nghiệp. Ảnh: B.Dương

Hướng đến phản biện chuyên nghiệp

PGS. TS Phạm Bích San cho rằng, cần đảm bảo các điều kiện để cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có chỗ đứng lâu dài trong xã hội.

Nếu chỉ là phát biểu ý kiến thì ai cũng có thể có ý kiến được. Nhưng để có ý kiến đánh giá đúng trong công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội thì cần có kiến thức trong những vấn đề được tư vấn, phản biện và giám định; cần có quy trình để thu thập ý kiến từ các cá nhân và nhóm khác nhau, những đối tượng mà có thể được gọi là “xã hội”. Đây chính là tính chuyên nghiệp của các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Và hiệu quả của những hoạt động này càng lớn khi mà trình độ chuyên nghiệp càng cao”.

Từng có ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và chuyển giao công nghệ, cho rằng: Cho đến lúc này, ở nhiều nơi, trong một số hệ thống chính trị dường như vẫn chưa có một khái niệm hoàn chỉnh về cái gọi là phản biện. Mọi chính sách trong khi xây dựng đều được hỏi ý kiến nhân dân. Nhưng hỏi ý kiến nhân dân là việc trưng cầu dân ý một cách không chuyên nghiệp và hoàn toàn không phải là phản biện.

Phản biện là tranh luận một cách khoa học chứ không phải là hỏi xem “anh có đồng ý với tôi hay không” và phải là một hệ thống tranh luận chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp đó đang được LHH Việt Nam xây dựng. Theo PGS TS Phạm Bích San, chỉ có cách làm chuyên nghiệp mới nâng cao vị thế của hoạt động này.
Bích Ngọc
Baodatviet
Tin liên quan