Cách quản lý ao tôm thâm canh, bán thâm canh hạn chế dịch bệnh
(Ngày đăng: 27/03/2013)
Trong năm 2011 và năm 2012, nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh ven biển trong cả nước bị thiệt hại nặng trên diện rộng do dịch bệnh và hội chứng hoại tử gan tụy. Tuy nhiên trong vùng dịch vẫn có một số mô hình quản lý tốt cho kết quả vụ nuôi tôm thành công. Từ kết quả khảo sát thực tiễn, quy trình nuôi tôm hạn chế dịch bệnh đã được ngành nông nghiệp đúc kết đưa vào áp dụng trong vụ tôm năm 2013. | |
Cần nuôi tôm đúng theo quy trình kỹ thuật để vụ tôm 2013 thành công (ảnh chụp xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, TG) |
Cải tạo ao nuôi, ao lắng: Tháo cạn nước ao nuôi và ao lắng, loại bỏ các địch hại có trong ao từ vụ nuôi trước (tôm, cua, ốc, côn trùng, cá tạp). Vét bùn đáy ao, tu sửa bờ, các cống cấp nước, thoát nước. San đáy ao dốc về phía cống thoát. Phải dầm nén kỹ bờ ao hoặc lót bạt để chống xoáy lở và hạn chế rò rỉ. Rào lưới xung quanh ao để tránh các loài ký chủ trung gian gây bệnh từ bên ngoài vào như: cua, còng, rắn...
Rải vôi bột (vôi nung) liều lượng 20-30 kg/1.000m2 (pH đất > 4) hoặc 30-40 kg/1.000m2 (pH đất ≤ 4) đều đáy ao. Bừa kỹ cho vôi ngấm vào đất để diệt hết tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp còn sót lại, diệt khuẩn trong bùn, giải độc (kim loại nặng, H2S) và trung hòa pH. Ao lót bạc chỉ cần vệ sinh khử trùng.
Phơi đáy ao khoảng 5-7 ngày. Đối với những ao không phơi được cần bơm cạn nước, dùng máy bơm nước đẩy chất thải về cuối gốc ao, bơm chất thải vào ao chưa thải, sau đó tiến hành bón vôi với liều lượng như bước 2.
Xử lý nước và lấy nước vào ao nuôi: Lấy nước vào ao lắng qua túi lộc bằng vải dày nhằm loại bỏ rác, ấu trùng, tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp. Để lắng 3-4 ngày. Chạy quạt nước liên tục 2-3 ngày để kích thích trứng tôm, ốc, côn trùng, cáp tạp nở thành ấu trùng.
Diệt tạp, diệt khuẩn nước cấp trong ao lắng vào buổi sáng (8h) hoặc buổi chiều (16h) bằng Chlorine nồng độ 30 ppm (30kg/1.000m3 nước), hoặc những chất diệt tạp có tên trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam (không dùng thuốc bảo vệ thực vật và các chất cấm). Quạt nước liên tục trong 10 ngày để phân hủy dư lượng Chlorine. Kiểm tra dư lượng chlorine trong nước bằng thuốc thử.
Cấp nước từ ao lắng qua ao nuôi (qua nhiều lớp túi lọc bằng vải dày) đến khi mức nước trong ao nuôi đạt từ 1,3-1,5 m, để lắng 2 ngày. Lưu ý, không diệt tạp trong ao nuôi; không lấy nước vào ao lắng khi nước ngoài kênh, mương có nhiều váng bọt, màng nhày, phù sa; nguồn nước nằm trong vùng có dịch bệnh; nước có hiện tượng phát sáng vào ban đêm.
Gây màu nước: Gây màu nước giúp phát triển vi sinh vật phù du, ổn định môi trường nước, tạo môi trường thuận lợi hạn chế tôm bị sốc, tăng tỷ lệ sống. Hai ngày sau khi cấp nước vào ao nuôi thì tiến hành gây màu nước.Thông thường có thể gây màu nước bằng cám ủ (thành phần: cám gạo, bột đậu nành, bột cá) phối trộn theo tỷ lệ 2:2:1. Nấu chín, ủ trong 2-3 ngày. Lúc 7-8h sáng: bón vôi đen Dolomite CaMg(CO3)2 hoặc vôi nông nghiệp CaCO3 liều lượng 100-150 kg/1000m3. Tiếp đến, lúc 10-12h trưa bón cám ủ liều lượng 3-4 kg/1000m3. Lặp lại 2 bước trên liên tục trong 3-5 ngày đến khi độ trong của nước đạt 30-40 cm.
Có thể gây màu nước bằng chế phẩm sinh học theo hướng dẫn của nhà sản xuất có uy tín để phân hủy mùn bã hữu cơ lơ lửng, xác tảo chết tích tụ do dùng hóa chất diệt khuẩn nguồn nước đó, tạo nguồn vi khuẩn có lợi giúp môi trường nuôi ổn định, tạo điều kiện cho tôm phát triển tốt ngay từ đầu.
Quạt nước và thời gian chạy quạt nước: Bố trí hệ thống quạt nước và thời gian chạy quạt nước phải đảm bảo nhu cầu oxy cho tôm nuôi, đặc biệt thời điểm chiều tối/đêm/gần sáng khi hàm lượng oxy hòa tan giảm dần xuống mức thấp nhất trong ngày. Cần tăng cường thời gian chạy quạt hoặc bố trí thêm hệ thống quạt cho tôm nuôi, đặc biệt vào những ngày thời điểm nắng nóng hoặc mưa kéo dài.
Chọn giống và thả giống: Chọn mua tôm giống từ các cơ sở có uy tín, có phiếu xét nghiệm âm tính về các mầm bệnh MBV, đốm trắng, đầu vàng, taura, IMNV, hoại tử gan tụy… Cỡ giống: tôm sú P15-P20, tôm thẻ chân trắng từ P12 trở lên.
Mật độ thả giống tôm sú nuôi thâm canh là 15-20 con/m2; nuôi bán thâm canh 8-14 con/m2; tôm chân trắng thả mật độ 30-60 con/m2 (đối với những hộ mới chuyển đổi) và 60-80 con/m2 (những hộ có kinh nghiệm và đủ kiều kiện).
Tôm giống nên thả vào ao nuôi lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả giống cần chạy quạt nước từ 8-12 giờ để đảm bảo lượng oxy hòa tan trong ao phải lớn hơn 4mg/l. Cân bằng nhiệt độ nước giữa bao giống và nước ao nuôi bằng cách thả nổi bao giống trên mặt ao vào phút. Sau đó, cho nước từ từ vào đầy bao, cầm phía đáy bao từ từ dốc ngược để tôm giống thưo nước ra ao nuôi.
Chăm sóc và quản lý: Cho tôm ăn theo hướng dẫn trên bao bì. Ngoài ra tùy theo thực tế (sức khỏe của tôm, chu kỳ lột xác, thời tiết,…) và theo dõi sàng ăn/chài khi tôm từ 20 ngày tuổi trở lên để điều chỉnh, quản lý thức ăn phù hợp, tránh tình trạng cho ăn thiếu hoặc thừa thức ăn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và sức khỏe tôm. Cho ăn mỗi ngày 3 lần.
Tháng nuôi thứ nhất, sử dụng thức ăn cỡ nhỏ cho giai đoạn mới thả. Ngày thứ 10 sau khi thả giống, cho ít thức ăn vào sàng/nhá/vó để tôm làm quen, dễ kiểm tra lượng thức ăn dư sau này. Sàng ăn đặt nơi bằng phẳng, cách bờ ao 1,5-2m, sau cánh quạt nước 12-15 cm, không đặt ở các gốc ao, khoảng 1.600-2.000 m2 đặt 1 sàng. Sau 15 ngày có thể sử dụng các chất bổ sung cung cấp Vitamin, khoáng chất theo chỉ dẫn của nhà cung cấp giúp tôm tăng cường sức khỏe.
Đối với tôm sú, ngày đầu tiên cho 1,2-1,5 kg/100.000 giống, cứ 2 ngày tăng 0,2-0,3 kg/100.000 giống. Đối với tôm chân trắng, ngày đầu tiên cho 2,8-3 kg/100.000 giống. Trong 10 ngày đầu tiên, cứ 1 ngày tăng 0,4 kg/100.000 giống. Từ ngày thứ 10-20, cứ 1 ngày tăng 0,5 kg/100.000 giống.
Tháng nuôi thứ 2 đến khi thu hoạch, điều chỉnh thức ăn trong ngày qua theo dõi lượng thức ăn thừa trên sàng ăn. Chuyển đổi thức ăn phù hợp theo giai đoạn phát triển, cỡ miệng tôm và nhu cầu dinh dưỡng như hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì. Khi chuyển đổi thức ăn nên trộn hai loại thức ăn cũ và mới cho ăn ít nhất 3 ngày.
Quản lý môi trường nước ao nuôi: DO, pH, độ trong (đo hằng ngày); độ kiềm và NH3 (3-5 ngày đo 1 lần). pH và độ kiềm là hai yếu tố quan trọng tác động đến đời sống của tôm. Khi pH và độ kiềm thay đổi ngoài khoảng thích hợp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tôm nuôi.
KS Nguyễn Quang Trí - Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang
Tin liên quan
Ý nghĩa ngày khoa học&công nghệ việt nam (17/05/2022)