Cần quan tâm hơn nữa đến bệnh quai bị
(Ngày đăng: 22/03/2013)
Quai bị là một loại bệnh lý của các tuyến nước bọt, gây ra bởi một loại virus có tên là Paramyxovirus có ái tính với các tổ chức tuyến và thần kinh. Bệnh xảy ra chủ yếu đến trẻ em từ 5 đến 15 tuổi. | |
Biểu hiện dễ nhận ra của bệnh quai bị. |
Trong năm 2012, tại tỉnh Tiền Giang, bệnh quai bị bùng phát với tổng số mắc là 455 trường hợp, tăng 11,4 lần so với cùng kỳ năm 2011 (40 trường hợp). Trong những tháng đầu năm 2013, bệnh quai bị tiếp tục bùng phát tại các địa phương. Tháng 1/2013, Tiền giang đã có 72 trường hợp mắc tại các nhà trẻ, mẫu giáo, trường học tại Thị xã Gò Công, Thành phố Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo và có chiều hướng gia tăng do thời tiết thay đổi thuận lợi cho các bệnh lây truyền theo đường hô hấp. Tháng 2/2013, có 02 ổ dịch Quai bị với 26 ca mắc xảy ra tại trường Trường Trung học cơ sở BìnhNinhcó 12 em và Trường mẫu giáo Bình Ninh có 14 em. Tháng 3/2013, có 03 ổ dịch bệnh quai bị xảy ra với 47học sinh và 01 giáo viên,trong đótại trường THCS Long Bình Điền có 14 em (khởi phát ngày 04/03/2013 đến 14/3/2013); trường Tiểu học Long Bình Điền có 13 em (khởi phát ngày 03/3/2013 đến 14/3/2013); tại trường THCS Quơn Long có 21 em (khởi phát ngày 28/02/2013 đến 15/3/2013). Qua điều tra, các ổ dịch không xác định được nguồn truyền bệnh từ ca đầu tiên, giáo viên không báo cáo và cách ly theo quy định nên đã lây lan cho các học sinh trong và ngoài trường, đặc biệt là ổ dịch tại trường học.
Ngay sau khi nhận thông tin, các TTYT huyện kết hợp cùng Y tế địa phương xác minh và xử lý dịch; cách ly tất cả các em bị bệnh nghỉ học 10 ngày (tại nhà); xử lý cloramin cho các phòng học của trường; Y tế địa phương hàng ngày phối hợp y tế trường học theo dõi tình hình bệnh của trường và báo cáo số ca mắc mới cho TTYT huyện vào mỗi buổi sáng; tuyên truyền vận động nhà trường, phụ huynh áp dụng các biện pháp phòng bệnh quai bị; khuyến cáo cho phụ huynh tiêm ngừa cho các trẻ chưa mắc bệnh.
Để chủ động và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong nhà trường, đặc biệt là bệnh quai bị không để dịch bệnh bùng phát và lây lan trong nhà trường và cộng đồng, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chỉ đạo cho các Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh đường hô hấp, đặc biệt là bệnh quai bị trong nhà trường, không để lây lan trong cộng đồng; Ban Giám hiệu nhà trường và y tế học đường phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tăng cường giám sát chặt chẽ và phát hiện sớm ca bệnh, thông báo ngay cho y tế trên địa bàn quản lý. Phối hợp với ngành y tế thực hiện xử lý ca bệnh, ổ dịch theo thường quy; chú ý cách ly bắt buộc đối với học sinh mắc bệnh từ 7-10 ngày kể từ khi có triệu chứng. Tăng cường các hoạt động truyền thông, hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch cho học sinh và phụ huynh các trường học trên địa bàn; hướng dẫn vệ sinh cá nhân, hạn tiếp xúc với những người trong gia đình và cộng đồng, sử dụng khẩu trang, tránh khạc nhổ ra môi trường xung quanh. Phối hợp với ngành y tế khuyến cáo cho phụ huynh, học sinh tiêm vaccine phòng bệnh theo đúng chỉ định. Ngoài ra, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các địa phương cùng với các trạm y tế theo dõi sát diễn tiến của dịch bệnh; phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo để tích cực triển khai các biện pháp phòng chống không để lây lan trong nhà trường và cộng đồng; thực hiện giám sát và báo cáo dịch bệnh hàng ngày, hàng tuần cho ngành y tế theo quy định tại Thông tư 48/2010/TT-BYT của Bộ Y tế.
Quai bị là một loại bệnh lý của các tuyến nước bọt, gây ra bởi một loại virus có tên là Paramyxovirus có ái tính với các tổ chức tuyến và thần kinh. Bệnh xảy ra chủ yếu đến trẻ em từ 5 đến 15 tuổi. Quai bị là loại bệnh truyền nhiễm lưu hành quanh năm với các đợt phát thành dịch thường gặp vào mùa Đông - Xuân. Bệnh rất dễ lây và cho miễn dịch bền vững sau khi khỏi bệnh (không mắc lại bệnh lần 2). Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp bởi các giọt nước bọt nhỏ li ti bắn ra khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi…Người bệnh chính là nguồn bệnh và các vật dụng có nhiễm nước bọt của người bệnh. Điều khó khăn trong việc cách ly nguồn bệnh là thời gian 7 ngày trước khi có biểu hiện lâm sàng. Qua điều tra nghiên cứu thấy trên 85% người trưởng thành đang khỏe mạnh đã có tiền sử mắc bệnh quai bị. Nên trong thời gian có dịch và nguy cơ nhiễm bệnh lớn cũng phải chú ý bảo vệ các đối tượng này.
Bệnh quai bị có các triệu chứng sốt, nhức đầu, nôn, sưng tuyến nước bọt, nhất là tuyến mang tai. Thường tuyến ở một bên sưng lên nhiều ngày trước khi tuyến bên kia bị sưng, nhưng đôi khi bệnh chỉ ảnh hưởng đến 1 tuyến. Trường hợp sưng cả 2 bên tuyến mang tai sẽ tạo bộ mặt của bệnh nhân có hình dáng như quả lê. Bệnh nhân nhai, nuốt khó khăn. 1/3 số bệnh nhân quai bị không biểu hiện triệu chứng gì. Đôi khi, bệnh quai bị qua đi mà không hay biết do tuyến không sưng trong vụ dịch quai bị. Cũng có gặp những trường hợp bệnh nhân có triệu chứng viêm tinh hoàn (một biến chứng thường gặp ở một số bệnh nhân bị quai bị khi đã ở độ tuổi trẻ trưởng thành) nhưng tuyến nước bọt không hề sưng to.
Bệnh quai bị có thể gây ra các loại biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm tụy tạng, viêm buồng trứng, viêm tuyến giáp, viêm não, viêm màng não lành tính, viêm các dây thần kinh…
Biện pháp điều trị duy nhất là điều trị triệu chứng bằng thuốc hạ nhiệt, thuốc giảm đau khi đau nhiều và thuốc chống viêm. Ăn lỏng khi bệnh nhân nhai và nuốt đau. Giữ vệ sinh răng miệng.
Khi có biến chứng viêm tinh hoàn bệnh nhân cần được nằm nghỉ, sử dụng dụng cụ đeo nâng bìu hoặc mặc quần lót. Trường hợp đau nhiều có thể chườm túi đá, dùng các thuốc chống viêm.
Để dự phòng ngăn ngừa bệnh lây lan, bệnh nhân cần được cách ly tối thiểu 15 ngày kể từ ngày phát bệnh. Tạo miễn dịch chủ động bằng tiêm vaccine. Để tránh cho trẻ bị tiêm nhiều mũi thuốc, hiện đã có loại vaccine kết hợp chống 3 bệnh: Sởi, quai bị, rubella. Đây là loại vaccine sống giảm độc lực được điều chế từ môi trường nuôi cấy trên phôi gà. Mỗi mũi tiêm thường chứa 0,5 ml, tiêm dưới da. Hiệu lực bảo vệ đạt đến 95% sau mũi tiêm đầu tiên.
BS CKII Trần Thanh Thảo
Tin liên quan