Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Khoa học Việt Nam đứng trước cơ hội chưa từng có
(Ngày đăng: 21/03/2013)

Mức độ đầu tư khoa học và công nghệ ở Việt Nam còn thấp, nhưng khoa học Việt Nam đang đứng trước cơ hội chưa từng có với sự hỗ trợ từ các chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: Nguyễn Hưng)

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 với sự tham gia của khoảng 400 đại biểu đại diện các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo của gần 20 tỉnh, thành phố; các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, dù vai trò và vị trí đã được khẳng định, song khoa học công nghệ chưa thật sự được coi là quốc sách hàng đầu. Trong số các nguyên nhân đưa ra như nhận thức xã hội về tầm quan trọng của khoa học chưa đầy đủ, hoạt động huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động khoa học và công nghệ chưa được chú trọng, Phó Thủ tướng nhận mạnh việc đầu tư khoa học công nghệ ở Việt Nam còn quá thấp so với thế giới.

Phó Thủ tướng dẫn chứng, Mỹ mỗi năm đầu tư 400 tỷ USD cho khoa học công nghệ, số người làm nghiên cứu là 1,4 triệu người. Nền kinh tế thứ hai thế giới là Trung Quốc đầu tư cho khoa học công nghệ 178 tỷ USD, số người tham gia nghiên cứu khoa học là 1,2 triệu.

"Đáng lưu ý là Hàn Quốc, một quốc gia 48 triệu dân nhưng đầu tư khoa học là 53 tỷ USD mỗi năm, số tiền họ đầu tư còn lớn hơn cả số dân. Còn Việt Nam hơn 80 triệu dân, số tiền đầu tư chỉ là 1 tỷ USD. Như vậy, cường độ Hàn Quốc đầu tư 2 năm bằng chúng ta đầu tư cả trăm năm", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

"Rõ ràng không phải ngẫu nhiên Hàn Quốc trở thành cường quốc", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng dẫn chứng thêm một số nước khác như Pháp, Italy, Nga đều là quốc gia có số tiền và số người tham gia khoa học rất lớn. "Từ đó để thấy tất cả các cường quốc đều thực hiện chính sách đầu tư lớn cho khoa học công nghệ và có số người làm trong lĩnh vực này rất nhiều", Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh hạn chế về số tiền đầu tư, Phó Thủ tướng còn chỉ ra tồn tại khiến khoa học chưa có nhiều bước tiến triển vượt trội như quá trình xây dựng kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương hầu như không có cấu phần kế hoạch phát triển khoa học công nghệ 5 năm đi kèm với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy không có cơ sở để giao nhiệm vụ cho lực lượng khoa học phục vụ thiết thực cho sự phát triển của các Bộ, ngành, địa phương. Không những vậy, mức đầu tư của doanh nghiệp trong nước cho khoa học công nghệ không nhiều; việc quản lý đề tài còn nặng về thủ tục, chưa thực sự gắn với hiệu quả đầu ra.

Phó Thủ tướng đề nghị, năm 2013 phải hoàn thiện các văn bản, khung pháp lý liên quan tới khoa học và công nghệ, từ đó làm cơ sở thực hiện cho những năm tiếp theo. Đối với các địa phương, chậm nhất quý II năm nay, phải hoàn thành kế hoạch phát triển khoa học công nghệ từ nay đến năm 2015, từ quý III tập trung phê duyệt và triển khai sản phẩm quốc gia, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu rõ, Chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 sẽ phải thay đổi cách quản lý tài chính đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học; đối với công tác nghiên cứu và triển khai các đề tài khoa học theo hướng quản lý đề tài khoa học theo các sản phẩm đầu ra.

"Chưa bao giờ khoa học nước nhà lại có cơ hội thuận lợi như bây giờ với hàng loạt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước được ban hành về phát triển khoa học công nghệ", Phó Thủ tướng nói.

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển khoa học và công nghệ. Chiến lược nhấn mạnh mục tiêu phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực ASEAN và thế giới.

Theo VNE
Tin liên quan