Trong thời đại ngày nay, phản biện xã hội là một trong những vấn đề hệ trọng, là đối tượng cần nghiên cứu, nhất là đối với các quốc gia đi sau. Trong khoa học, phản biện cũng là một trong những cách thức chủ yếu để các nhà nghiên cứu tiệm cận tới các chân lý khoa học. Còn trong đời sống xã hội, phản biện là một công cụ không thể thiếu để thể hiện một xã hội dân chủ thật sự. | |
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi: “Nhà nước ban hành và bổ sung pháp luật để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng, Nhà nước và trong việc tổ chức thực hiện…” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ X. Nxb. CTQG, HN, 2006, tr 129).
Như vậy, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), chỉ có từ khi có Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, còn vai trò giám sát thì đã được nêu trong Hiến pháp năm 1992.
Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ nhấn mạnh đến vai trò, nhiệm vụ mới là phản biện xã hội của MTTQ.
Phản biện: là nhận xét, đánh giá, bình luận, thẩm định công trình khoa học, chủ trương, chính sách, chương trình, dự án, đề án trong các lĩnh vực khác nhau.
Phản biện xã hội: là sự phản biện nói chung, nhưng có quy mô và lực lượng rộng rãi hơn của xã hội, của nhân dân và các nhà khoa học về nội dung, phương hướng, chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, trật tự an ninh chung toàn xã hội của Đảng, Nhà nước và những tổ chức liên quan.
Thực tế hiện nay, người dân thường chỉ biết đến công tác của MTTQ thông qua các cuộc vận động cứu trợ, ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng nhà “Đại đoàn kết”… còn công tác giám sát và phản biện xã hội ít được biết đến. Vai trò, nhiệm vụ của MTTQ tỉnh không chỉ giám sát, phản biện về những dự án luật, những chương trình phát triển kinh tế mà ngay cả những công trình phục vụ dân sinh, công trình xã hội trong tỉnh cũng cần được phản biện trước khi triển khai. Do đó, phản biện xã hội là một kênh quan trọng để MTTQ tham gia giám sát việc hoạch định cũng như thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo chúng tôi, vấn đề phản biện xã hội của MTTQ là một vấn đề mới mẻ, cần có nhận thức đúng đắn và cần có công trình nghiên cứu riêng để đi sâu làm rõ cả về lý luận và thực tiễn.
Phản biện xã hội không đồng nghĩa với việc đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước và những tổ chức liên quan, hoặc là hành động giám sát mà còn cao hơn thế nữa, đó là sự bình luận, nhận xét, đánh giá, thẩm định của xã hội đối với sự lãnh đạo và điều hành đất nước.
Xã hội càng phát triển, nhu cầu phản biện càng trở nên tự nhiên như hơi thở trong cuộc sống. Phản biện, tự phản biện là cách để cuộc sống diễn ra, cuộc sống đi lên, không phải là vấn đề muốn hay không muốn. Nếu thực sự coi trọng công tác phản biện thì sẽ có được sự phản biện xã hội có tổ chức, giúp ích lớn cho lãnh đạo trong việc quyết định các chương trình, đề án; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng góp phần tích cực cho sự ổn định và phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.
Công tác phản biện xã hội của MTTQ tỉnh trong thời gian qua đã có những chuyển biến nhất định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân. Bởi vì:
Thứ nhất, theo nhiều ý kiến, hoạt động của cán bộ Mặt trận nếu chỉ dựa vào nhiệt tình, uy tín và kinh nghiệm như hiện nay thì khó có thể thực hiện được chức năng giám sát và phản biện xã hội. Và không có hoạt động giám sát và phản biện xã hội thì hoạt động của MTTQ sẽ bị hạn chế so với chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thứ hai, chưa phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với các hội trí thức thành viên để sử dụng và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức và nhân dân trong công tác phản biện xã hội độc lập của MTTQ.
Thứ ba, áp dụng phản biện xã hội vào quản lý xã hội là một nhu cầu rất cần thiết nhưng từ nhận thức đúng đắn đó đến việc thực hiện nghiêm túc trong thực tiễn lại là việc không đơn giản... Ít nhất có những trở ngại về mặt tâm lý như: Sự khó chịu thường tình với ai “trái ý”; sự lo ngại sẽ nảy sinh cái gì đó “bất ổn”, ảnh hưởng đến vị thế hay quyền lợi; ngại mất thời gian…
Trách nhiệm của Đảng là phải đổi mới nhận thức, phương thức lãnh đạo; có cơ chế bảo đảm cho việc thực hiện phản biện xã hội một cách đúng đắn và có hiệu quả, đồng thời Đảng không “bao cấp” về mặt tư duy đối với MTTQ và các đoàn thể nhân dân, thực sự coi phản biện xã hội là một nhu cầu cần thiết như một đòi hỏi bắt buộc trong quá trình lãnh đạo của mình. Nhưng về phần MTTQ và các đoàn thể nhân dân cũng phải tự đổi mới, vượt lên chính mình, không ỷ lại, không “hành chính hóa”, “nhà nước hóa” để có đủ điều kiện, trình độ và năng lực thực hiện sự phản biện xã hội.
Thực ra, mục đích của hoạt động phản biện xã hội được thực hiện là nhằm giúp cho Đảng và Nhà nước có thêm các cơ sở, luận cứ khoa học, khách quan để ra quyết định về các vấn đề cần xem xét, xử lý trong quá trình xác định, chuẩn bị và thực hiện các chủ trương, chính sách...; tăng cường sự đoàn kết, hợp tác của nhân sĩ, trí thức và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong việc giải quyết các vấn đề từ cuộc sống và cộng đồng xã hội đặt ra.
Thực tiễn cho thấy, các chủ trương, chính sách, chương trình, đề án nào được tổ chức phản biện xã hội theo đúng quy trình, đảm bảo tính khoa học, khách quan sẽ đem lại những hiệu quả tốt cả về kinh tế - xã hội và nhân văn, được nhân dân đồng tình. Còn ngược lại, nếu chỉ dựa vào một số ý kiến chủ quan hoặc vì lợi ích cục bộ thì khi tổ chức thực hiện sẽ có nhiều khiếm khuyết, thậm chí phải chỉnh sửa nhiều lần hoặc làm lại và đây cũng là một trong những kẻ hở dẫn đến tham ô, lãng phí.
Trong thời đại ngày nay, phản biện xã hội là một trong những vấn đề hệ trọng, là đối tượng cần nghiên cứu, nhất là đối với các quốc gia đi sau. Trong khoa học, phản biện cũng là một trong những cách thức chủ yếu để các nhà nghiên cứu tiệm cận tới các chân lý khoa học. Còn trong đời sống xã hội, phản biện là một công cụ không thể thiếu để thể hiện một xã hội dân chủ thật sự.
Tác phong đối thoại, phản biện là thành tựu của tư duy hiện đại về quá trình phát triển. Tư duy hiện đại là vượt qua sự cố chấp, bước vào “nguyên lý bổ sung”, khuyến khích thái độ lắng nghe để tiếp nhận thông tin, nhằm làm cho tri thức của mình luôn luôn mới, theo kịp được với nhịp phát triển liên tục của cuộc sống. Phản biện xã hội gắn liền với nguyên lý bổ sung, nhằm tạo ra sự đồng thuận xã hội, tiền đề của phát triển.
Chúng ta không phản bác ý kiến nhận định của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng thường mang nặng tâm lý “dĩ hòa vi quí”, “ một tạ cái lý không bằng một tý cái tình”, nhưng không nên nghĩ vì thế mà chúng ta không thể tự tạo cho mình một môi trường văn hóa tranh luận, phản biện phù hợp với tình hình đất nước ta hiện nay.
Rõ ràng, đã đến lúc phản biện xã hội phải thành nguyên tắc trong quá trình chuẩn bị và thông qua các quyết định liên quan đến cuộc sống, quyền lợi của đông đảo mọi người, đồng thời khẳng định việc nghĩ, việc lo không phải đặc quyền của một số ít người mà còn là trách nhiệm của nhiều giới, nhiều ngành cùng nhau góp sức, chung lòng để đạt được kết quả tốt hơn cho xã hội.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:
Một là, để MTTQ các cấp thực hiện tốt công tác phản biện xã hội rất cần sự phối hợp, hỗ trợ đồng bộ của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Ủy ban Trung ương MTTQVN cần hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ phản biện xã hội cho MTTQ địa phương để nâng trình độ và kỷ năng của cán bộ làm công tác này.
Hai là, Nhà nước cần ban hành Quy định về hoạt động phản biện xã hội của MTTQ.
Ba là, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh xem xét, chọn và giao cho MTTQ tỉnh phản biện xã hội độc lập một số chủ trương lớn của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội từ nay cho đến năm 2020, nhất là các đề án, dự án của tỉnh có tác động lớn đến an sinh xã hội và môi trường.