Trong năm 2012, trước tình hình ô tô, xe máy cháy, nổ, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy, nổ xe cơ giới và tăng cường thanh tra, kiểm sóat và xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng. Để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực triển khai thực hiện các họat động để tìm hiểu nguyên nhân cháy, nổ xe cơ giới và tăng cường quản lý chất lượng xăng, dầu. Kết quả tới nay như sau: | |
I. Các họat động triển khai tìm hiểu nguyên nhân cháy, nổ xe cơ giới
a). Kết quả nghiên cứu của Mỹ về nguyên nhân xe cháy, nổ:
Mỗi năm nước Mỹ tiêu tốn khỏang 14 triệu USD cho nghiên cứu về vấn đề cháy nổ xe cơ giới. Thống kê trong hơn 30 năm qua cho thấy nguyên nhân chủ yếu liên quan đến yếu tố kỹ thuật, hệ thống điện và lỗi do người sử dụng. Trong giai đọan 2002 – 2005, cháy, nổ do xe bị hư hỏng cơ khí chiếm tỷ lệ cao nhất (29%). Tiếp đến là nhóm bị hư hỏng hệ thống điện (11%), nhóm xe chập điện không rõ nguyên nhân (7%), chập điện do rách vỏ cách điện (2%), chập điện do hư hỏng cơ khí (2%). Các vụ cháy xuất phát do rò rỉ nhiên liệu chiếm 12% tổng số sự cháy nổ. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu của nhóm cháy xuất phát từ việc rò rỉ nhiên liệu phần lớn liên quan đến ý thức người sử dụng như để chất lỏng và chất khí dễ cháy trên xe bị tràn, không tắt điện xe khi nạp nhiên liệu...
b). Kết quả điều tra nguyên nhân cháy xe của Bộ Công an:
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công an, tính từ ngày 01/01/2012 đến ngày 07/11/2012 trên tòan quốc xảy ra 187 vụ cháy ô tô, xe máy (102 vụ cháy ô tô, 85 vụ cháy xe máy), đã làm rõ nguyên nhân 74 vụ, chiếm tỷ lệ 39,6%, cụ thể:
- Do sự cố từ hệ thống điện: 33 vụ (17,6%)
- Do sự cố kỹ thuật: 15 vụ (8%)
- Do sơ xuất trong sử dụng lửa gây cháy lan sang ô tô, xe máy: 12 vụ (6,4%)
- Do tai nạn giao thông: 09 vụ (4,8%)
- Do đốt: 05 vụ (2,7%)
- Chưa rõ nguyên nhân: 113 vụ (60,4%)
c). Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo cơ quan kiểm tra chất lượng tiến hành lấy mẫu xăng, dầu của xe bị cháy (nếu còn) và tại nơi chủ xe đã mua xăng, dầu để phân tích thử nghiệm:
Việc lấy mẫu xăng, dầu của xe bị cháy hoặc tại nơi chủ xe đã mua xăng, dầu trước đó thường gặp khó khăn do xe đã cháy hết hoặc không có thông tin từ chủ phương tiện.
Từ đầu năm 2012 đến ngày 30/9/2012, các cơ quan chức năng thuộc ngành KH&CN đã lấy 62 mẫu liên quan đến xe cháy để thử nghiệm, trong đó có 16 mẫu lấy từ xe bị cháy và 46 mẫu lấy từ các cây xăng nơi chủ xe đã mua. Kết quả, có 01 mẫu dầu diesel có chỉ tiêu ngọai quan không đạt theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5689:2005 và 62 mẫu nầy đều phù hợp QCVN 01:2009/BKHCN về các chỉ tiêu thử nghiệm và không phát hiện methanol, aceton trong xăng.
d). Tổ chức các nhóm nghiên cứu và kết quả bước đầu:
Bộ Khoa học và Công nghệ xác định, hiện tượng cháy nổ xe cơ giới là phức tạp, đòi hỏi phải có nghiên cứu đánh giá nhiều mặt một cách khoa học, đã chỉ đạo triển khai đề án nghiên cứu các nguyên nhân gây cháy nổ xe.
Kết quả công bố tại Hội thảo khoa học “Báo cáo một số kết quả nghiên cứu về xác định nguyên nhân và giải pháp phòng chống cháy nổ ô tô, xe máy” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hà Nội ngày 12/11/2012 cho thấy:
Nguy cơ gây cháy nổ từ kết cấu, đặc tính một số hệ thống của phương tiện xe cơ giới được xác định từ 3 hệ thống sau:
Thứ nhất là từ hệ thống điện có thể phát sinh nguồn nhiệt, nguồn lửa trừ những nguy cơ sau:
- Chập điện do dây dẫn bị hở, đứt từ các nguyên nhân: tiếp xúc với vật nóng, chuột cắn; quá tải trong hệ thống như cháy kèn, kẹt bơm xăng (dòng điện tăng lên đột ngột tới gần 7 lần), kẹt màng rung của còi (dòng điện tăng gấp 6 lần bình thường), nhiệt độ cuộn dây còi tăng lên tới 70oC (trong thời gian 18 giây) hoặc khi lắp thêm hệ thống bảo vệ, thay thế đèn nguyên bản bằng đèn có công suất lớn hơn;
- Phát sinh tia lửa do những nguyên nhân: dây điện có khả năng chịu tải nhỏ gây chập điện, tiếp điểm, rơ le phát sinh tia lửa trong quá trình làm việc (phụ tùng không rõ nguồn gốc chất lượng kém); do nứt dây cáp, lỏng đầu chụp bugi;
- Nhiệt độ sinh ra trên bộ sạt điện lớn, nếu tản nhiệt không tốt dễ gây chập cháy dây điện, nóng chảy chi tiết bằng nhựa xung quanh.
Thứ hai, hệ thống dẫn nhiên liệu bị rò rỉ. Đây là nguy cơ gây cháy nổ khi gặp nguồn nhiệt (nguồn lửa hay tia lửa điện). Phân tích đánh giá và thử nghiệm thực tế cho thấy nguy cơ gây rò rỉ nhiên liệu trong các trường hợp sau:
- Hở đường dẫn ống nhiên liệu từ bình chưa tới chế hòa khí, tới vòi phun, đặc biệt trong trường hợp có sử dụng bơm xăng, nhiên liệu có áp suất cao.
- Kim 3 cạnh trong buồng phao của bộ chế hòa khí bị mòn, đóng không kín làm xăng bị rò rỉ.
- Xe bị nghiêng với góc nghiêng lớn dẫn đến tràn xăng ra ngòai.
Thứ ba là hệ thống tản nhiệt và hệ thống xả khí của động cơ gây phát nhiệt cao trong điều kiện vận hành thực tế:
- Khi hệ thống tản nhiệt bị hư hỏng, chức năng tản nhiệt, làm mát không đảm bảo dẫn đến nhiệt độ của động cơ và hệ thống phụ trợ tăng quá cao, làm lão hóa nhanh hoặc nóng chảy, thậm chí chảy các bộ phận bằng nhựa và dây dẫn điện, gây chập điện. Nhiệt độ một số bộ phận tăng quá cao là nguyên nhân có thể gây cháy như xăng dầu bám vào.
- Hệ thống xả khí: Do tiếp xúc với khí cháy trên đường ống thải có nhiệt độ cao, đặc biệt trong các trường hợp ống xả bị nứt hở và tắt. Với động cơ thiết kế mới, do động cơ được bao kín nên hình thành khoang hở phía trước động cơ gần cổ xả, làm các vật dễ cháy bám và tích tụ lại. Kết quả thử nghiệm xe máy trên băng thử trong những điều kiện vận hành thực tế cho thấy nhiệt độ ống xả tăng cao (đạt tới 548oC cho xe có thiết kế cũ và tới trên 400oC với xe có thiết kế mới), đặc biệt xe lưu hành trong thành phố tăng giảm ga nhiều và tốc độ xe chậm, nhiệt độ động cơ tăng nhanh. Qua thử nghiệm, khi tiếp xúc với bề mặt chi tiết có nhiệt độ khoảng 500oC, các vật liệu như rơm rạ, giấy, nilon, vải, hơi xăng sẽ bắt cháy.
Nguy cơ cháy nổ từ nguyên liệu và phụ gia:
- Nhiên liệu chính ngạch có chất lượng tốt, đáp ứng tiêu chuẩn và qui chuẩn Việt
- Nhiên liệu pha chế với mục đích gian lận thương mại bằng cách lạm dụng phụ gia RON đối với xăng (xăng A 83, naptha codensat được pha chế để gian lận thành xăng A 92, A 95); phối trộn diesel 0.05S chất lượng tốt (hàm lượng lưu hùynh thực tế nhỏ hơn 500ppm) với diesel 0,25S (2.500 ppm) hoặc với phân đọan diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao (thu được từ quá trình tái chế dầu biến thế thải, dầu nhờn, dầu cặn).
Nguy cơ cháy nổ từ phía người sử dụng như: sử dụng phương tiện giao thông chưa đúng cách; chưa có thói quen chăm sóc, bảo dưỡng xe định kỳ; tự ý thay đổi kết cấu của xe; sử dụng không đúng nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của phụ tùng thay thế; sử dụng nhiên liệu không rõ nguồn gốc; tự ý sử dụng phụ gia tiết kiệm nhiên liệu; thiếu thận trọng khi lái xe tại các khu vực có nhiều rơm rạ phơi trên đường hoặc có nhiều rác dễ gây cháy như giấy, túi nilon, cỏ khô.
Tóm lại, nhiều nguyên nhân có khả năng gây ra cháy nổ ô tô, xe máy như kết quả tìm hiểu của Bộ Công an đã thực hiện đối với những xe cháy cụ thể, cũng như kết quả của các nhóm nghiên cứu đã chỉ ra nguy cơ tăng khả năng gây cháy đối với các trường hợp như đã trình bày ở phần trên.
II. Đề xuất một số giải pháp phòng ngừa sự cố cháy nổ ô tô, xe máy
Từ những nguyên nhân như đã phân tích trên, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cháy nổ xe cơ giới xin đề xuất một số giải pháp cần lưu ý thực hiện như sau:
* Từ phía người sử dụng:
1. Sử dụng xe đúng cách và đúng với chức năng qui định; tuân thủ qui trình chăm sóc, bảo dưỡng xe định kỳ; khi bảo dưỡng xe cần đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của phụ tùng thay thế, nhất là các phụ tùng có liên quan trực tiếp đến các bộ phận có nguy cơ gây cháy cao;
2. Không tự ý thay đổi kết cấu xe; khi sửa xe hoặc chăm sóc bảo dưỡng xe máy phải đưa đến cơ sở dịch vụ có uy tín;
3. Thận trọng khi lái xe qua các khu vực có nhiều rơm rạ phơi trên đường hoặc có nhiều rác dễ cháy như giấy, túi nilon, cỏ khô;
4. Tuyệt đối không sử dụng nhiên liệu nguồn gốc không rõ ràng, bị pha chế gian lận có nhiều thành phần lạ có thể liên quan đến sự an tòan cháy nổ; hàm lượng lưu hùynh trong nhiên liệu cao có khả năng kết hợp với thành phần kim lọai xuất hiện trong các hợp chất lạ tạo thành các chất dễ cháy trong không khí (F2S...);
5. Không tự ý sử dụng phụ gia tiết kiệm nhiên liệu (thực tế không tiết kiệm được bao nhiêu như trên nhãn công bố).
* Đối với cơ quan quản lý và ngành chức năng có liên quan:
6. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, nghiên cứu tìm thêm nguyên nhân gây cháy nổ xe cơ giới;
7. Có biện pháp xử lý nghiêm việc sử dụng xe không đúng theo qui định của luật giao thông đường bộ, những hành động tự ý thay đổi kết cấu xe, sử dụng chất phụ gia chưa được cơ quan chức năng cho phép;
8. Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường chỉ đạo việc rà sóat sửa đổi, bổ sung quy chuẩn quốc gia về xăng dầu, đưa ra quy định cụ thể hơn về hàm lượng nước, methanol, aceton...trong xăng dầu; đồng thời tiến hành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chặt chẽ về quản lý chất lượng xăng dầu theo chuỗi từ sản xuất, nhập khẩu đến lưu kho, vận chuyển và phân phối đến tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẽ xăng dầu.
Trên đây là một số biện pháp đề xuất từ kết quả điều tra của ngành chức năng, những công bố của các cơ quan nghiên cứu khoa học và thực tế thu thập thông tin từ những cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa xe trên tòan quốc (theo số liệu của Bộ Khoa học và công nghệ) xin đề ra để quý độc giả tham khảo.