Những năm qua, Tiền Giang triển khai thành công "Chương trình công nghệ sinh thái" vào sản xuất lúa. Hiện tại, Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trường ĐH Tiền Giang phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cai Lậy triển khai chương trình “Công nghệ sinh thái” cho nông dân 13 xã của huyện Cai Lậy. Chúng tôi đã gặp gỡ và trao đổi với TS Lê Hữu Hải - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang về chương trình này. | |
TS Lê Hữu Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang |
PV: Thưa TS! TS vui lòng cho biết “Công nghệ sinh thái” là gì?
Theo Gurr và ctv. (2004): “Công nghệ sinh thái” (ecological engineering) là những tác động của con người nhằm cải thiện môi trường dựa trên những nguyên tắc về sinh thái. Hay dễ hiểu hơn: “Công nghệ sinh thái” là sự kiến thiết lại hệ thống đ̀ồng ruộng bằng cách trồng các loại cây có hoa trên bờ ruộng, làm cho hệ thực vật ngoài đồng ruộng phong phú và đa dạng nên đã thu hút nhiều loài côn trùng, ong và nhện có ích (thiên địch) – giúp kiểm soát mật số các loài sâu, rầy luôn ở mức thấp. Vì vậy, giúp nông dân không cần hoặc giảm số lần sử dụng thuốc hoá học để phòng trừ sâu, rầy.
Triển khai chương trình Công nghệ sinh thái (Trồng hoa trên bờ ruộng) tại xã Tân Phú - huyện Cai Lậy
PV: Chương trình “Công nghệ sinh thái” đã áp dụng vào Việt Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang từ khi nào ?
Ở Việt Nam chương trình “Công nghệ sinh thái” đã được áp dụng đầu tiên trong vụ lúa Đông Xuân 2009 - 2010 tại hai huyện Cai Lậy và Cái Bè tỉnh Tiền Giang. Chương trình được thực hiện với sự đầu tư kinh phí từ ngân sách của tỉnh và có sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam. Sau đó, chương trình “Công nghệ sinh thái” đã được nhân rộng các huyện trong tỉnh Tiền Giang và đến nay đã phát triển khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ.
PV: Quá trình triển khai cương trình “Công nghệ sinh thái” gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
“Công nghệ sinh thái” có thể xem là một tiến bộ kỹ thuật mới chuyển giao cho bà con nông dân áp dụng nhằm giảm chi phí sản xuất; bảo vệ sức khỏe nông dân, tạo ra nông sản an toàn và thân thiện với môi trường. Khi triển khai chương trình này có một số thuận lợi: Được sự hỗ trợ tích cực của chuyên gia IRRI, ngành bảo vệ thực vật ở các tỉnh/thành và sự đồng tình hưởng ứng của bà con nông dân ham học hỏi. Tuy nhiên, triển khai chương trình này cũng gặp một số khó khăn: Diện tích đất của nông dân thường nhỏ, manh mún, bờ ruộng nhỏ, vùng bị ảnh hưởng của nước lũ phải ươm cây có hoa trước khi gieo sạ vụ Đông Xuân 2-3 tuần, tốn công chăm sóc giai đoạn mới trồng.
Sinh viên Trường ĐH Tiền Giang hỗ trợ bà con xã Tân Phú - huyện Cai Lậy: trồng hoa trên bờ ruộng
PV: Những hiệu quả kinh tế của chương trình “Công nghệ sinh thái” mang lại ?
Xét về mặt hiệu quả kinh tế, chương trình “Công nghệ sinh thái” mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét nhất thông qua việc giảm hoặc không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu rầy (do mật độ sâu rầy đã được kiểm soát bởi các loài thiên địch). Để chương trình “Công nghệ sinh thái” thực sự phát huy được hiệu quả cần phải áp dụng đồng bộ với “3 gỉảm, 3 tăng”.
PV: Mô hình này cũng có thể áp dụng cho vườn cây ăn trái hay rau màu trong việc phát triển hệ thống đa canh không ? Thưa TS ?
Mỗi một hệ sinh thái khác nhau sẽ có sự cân bằng khác nhau. Mô hình “Công nghệ sinh thái” có thể áp dụng trên vườn cây ăn trái cũng như rau màu trong việc phát triển hệ thống đa canh - vừa tạo ra được sự đa dạng về sinh học và đa dạng hoá về sản phẩm, giúp cho nông dân tăng thêm được lợi nhuận. Một số mô hình trồng rau sạch ở Đà Lạt đã áp dụng trồng cây có mùi hương đặc biệt để xua đuổi côn trùng gây hại.
PV: Thưa TS! Vì sao nói triển vọng thành công của mô hình công nghệ sinh thái này sẽ là bước đột phá cho chương trình kiến thiết lại đồng ruộng ở cấp cộng đồng, nhắm đến các mục tiêu lâu dài như nông dân cùng tổ chức làm việc theo cộng đồng?
Việc áp dụng mô hình “Công nghệ sinh thái” đòi hỏi tính cộng đồng rất cao và để áp dụng thành công thì mô hình này phải được tổ chức thực hiện trên diện tích lớn và phải có sự tham gia của nhiều bà con nông dân trong cả cánh đồng – cùng nhau thực hiện các công việc: Xác định thời điểm gieo sạ, thời điểm ươm cây có hoa, cùng nhau trồng và chăm sóc cây có hoa...Vì vậy, để mô hình “Công nghệ sinh thái” triển khai thành công cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị chuyên môn với các đoàn thể ở cơ sở (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).
PV: Được biết, hiện tại Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trường ĐH Tiền Giang phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cai Lậy triển khai chương trình “Công nghệ sinh thái” cho nông dân 13 xã của huyện Cai Lậy. TS vui lòng cho biết rõ hơn về chương trình này?
Chương trình này được sự hỗ trợ của IRRI và Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, đã triển khai cho phụ nữ ở 13 xã của huyện Cai Lậy trong vụ Đông Xuân 2012-2013, có hơn 500 phụ nữ đã tham gia. Qua các lớp tập huấn sẽ nâng cao kiến thức và vai trò của phụ nữ trong canh tác lúa ở gia đình. Sau khi tham gia chương trình “Công nghệ sinh thái”, phụ nữ nói riêng và những nông hộ chưa tham gia ở các xã sẽ thấy hiệu quả của mô hình, tạo điều kiện cho việc nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. Đây là lần đầu tiên chương trình “Công nghệ sinh thái” được triển khai trên diện rộng do Hội Liên hiệp Phụ nữ giữ vai trò chính.
PV: Xin cảm ơn thầy !
Chương trình "Quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái"
Ông K.L Heong, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế - IRRI, cho biết: "Quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái" nhằm thực hiện 2 mục tiêu chính là: Tăng hệ thực vật có hoa trên bờ ruộng và ngưng sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn đầu của cây lúa. Từ đó, giúp tăng cường sức đề kháng hệ sinh thái ruộng lúa và giúp nông dân giảm thuốc trừ sâu. Tiền Giang có thể trở thành "người tiên phong" đi đầu trong việc áp dụng bước tiến khoa học trên đồng ruộng này. Bởi đây là chương trình sản xuất nông nghiệp bền vững, có thể giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới" (Theo http://nongthonmoi.gov.vn).