Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Sản xuất nông - ngư nghiệp năm 2012 vượt khó giành thắng lợi
(Ngày đăng: 04/01/2013)

Năm 2012, hoạt động sản xuất nông lâm ngư nghiệp tỉnh Tiền Giang gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự hỗ trợ của Trung ương, đặt biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở ngành và địa phương cùng sự đồng thuận của nông - ngư dân, kết quả sản xuất nông lâm ngư nghiệp năm nay đã thắng lợi với giá trị sản xuất tăng 5,8% so với năm 2011, trong đó sản xuất nông nghiệp tăng cao nhất với 6,1%.
Thanh long: Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng kết quả sản xuất nông nghiệp Tiền Giang vẫn đạt kết qủa khả quan (xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang)

Sản xuất nông - ngư nghiệp khả quan

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay các đơn vị chức năng đã tổ chức điều tra thăm đồng thường xuyên, chỉ đạo theo dõi sát diễn biến rầy nâu, kiên quyết thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp nhằm ngăn chặn sự bộc phát của bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa. Nhờ vậy, toàn tỉnh đã gieo trồng 241.422 ha lúa với sản lượng thu hoạch 1.370.049 tấn, tăng 2,7% so cùng kỳ năm ngoái; năng suất lúa đạt khá cao 56,75 tạ/ha, tăng 1,62 tạ/ha. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng đã giúp nông dân tiêu thụ được 2.000 tấn lúa bằng cách tạo cầu nối qua hợp đồng tiêu thụ giữa Công ty Lương thực Tiền Giang và các Hợp tác xã Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đối với các loại hoa màu, cây có củ và cây ăn trái, nhiều chương trình chuyển giao kỹ thuật sản xuất đã giúp cho nông dân nhận thức tốt hơn về sản xuất an toàn theo hướng GAP, ý thức được tác hại của việc lạm dụng hóa chất đến sức khỏe con người và ảnh hưởng đến môi trường, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong các loại cây ăn trái, sầu riêng, vú sữa, cam sành, chôm chôm, sapo là các loại cây trồng cho giá trị kinh tế khá cao, bình quân 1 ha cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng đối với vụ thuận, và 200 triệu đồng đối với vụ nghịch.

 Tính đến thời điểm này, diện tích xuống giống cây bắp toàn tỉnh đạt 4.600 ha, với sản lượng 15.446 tấn, bằng 93,4 %; cây chất bột có củ xuống giống 1.888 ha với sản lượng 22.701 tấn, tăng 14,2%; diện tích xuống giống cây màu thực phẩm 41.377 ha với sản lượng 653.361 tấn, tăng 4,6%; diện tích cây dừa 12.722 ha với sản lượng thu hoạch 92.625 tấn, tăng 3,7%; diện tích cây ăn trái hiện có 71.615 ha với sản lượng thu hoạch 1.137.951 tấn, tăng 7,1%.

Năm 2012, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi địa phương đã có kinh nghiệm chống dịch, kịp thời chỉ đạo, điều hành để thực hiện đồng bộ, triệt để các biện pháp phòng chống nên trong thời gian ngắn đã kiểm soát, khống chế được dịch, góp phần làm giảm thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Chính vì vậy, năm nay đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đều được duy trì ổn định so với năm ngoái, riêng số lượng gia cầm tăng đáng kể; cụ thể, toàn tỉnh có đàn heo 575.548 con, tăng 1,7 %; đàn bò 71.089 con, giảm 1,8%; đàn gia cầm 7.228 ngàn con, tăng 14,5 %.

Giá cả thủy sản trong năm 2012 không ổn định, giá cá tra nguyên liệu và cá điêu hồng thương phẩm đa phần ở ở mức thấp, giá tôm có thời điểm giảm gần 50% so với cuối năm ngoái, trong khi giá thức ăn, thuốc thú y tăng làm người nuôi bị lỗ. Trong lĩnh vực nuôi thủy sản lợ mặn, nguồn nghêu giống tự nhiên xuất hiện không nhiều nhưng quy trình sản xuất và ương nghêu giống ngày càng hoàn thiện đã góp phần đáp ứng một phần nhu cầu nghêu giống thả nuôi trong và ngoài tỉnh. Đối với hoạt động nuôi nghêu thương phẩm, nghêu nuôi phát triển tốt, giá bán ổn định, các hộ nuôi đều có lãi. Cuối năm 2012, diện tích nuôi thủy sản nước mặn, lợ là 7.819 ha, tăng 3,9 %; diện tích nuôi nước ngọt là 6.645 ha, tăng 1,4 %; với tổng sản lượng thuỷ sản thu hoạch 135.612 tấn, tăng 5,1 %.

Thời tiết năm 2012 tương đối thuận lợi cho hoạt động đánh bắt trên biển, hải sản xuất hiện nhiều hơn ở một số ngư trường, sản lượng khai thác tăng 1,2% so với năm ngoái. Để vượt qua khó khăn, các mô hình khai thác theo tổ, đội đã liên tục phát triển và phát huy tốt hiệu quả trong khai thác, tiết kiệm chi phí và có lợi nhuận. Theo số liệu thống kê, sản lượng thuỷ sản khai thác năm 2012 đạt 86.928 tấn, tăng 1,8 %, bao gồm khai thác biển đạt 82.485 tấn, tăng 1,9%; khai thác nội địa 4.443 tấn, bằng 99,7 %.

Đối mặt nhiều khó khăn

Dù đạt được một số kết quả thắng lợi trong năm 2012, nhưng sản xuất nông lâm ngư nghiệp của tỉnh luôn đối diện nhiều khó khăn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dịch heo tai xanh, cúm gia cầm, bệnh trên tôm,... diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm đã gây thiệt hại không nhỏ cho nông ngư dân, trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng ở các địa phương có nơi chưa cao. Công tác phòng, chống dịch bệnh chổi rồng còn chậm do thiếu công lao động cắt tỉa cành bệnh; công tác cắt tỉa cành, cũng như phun thuốc bảo vệ thực vật chưa được thực hiện đồng loạt và triệt để; các huyện thống kê diện tích nhãn thiệt hại chưa đầy đủ làm tốn thời gian rà soát, thẩm định,…

Giá cả một số sản phẩm nông, thủy sản không ổn định như: giá dừa khô, giá heo hơi, trứng gia cầm, giá cá tra, cá điêu hồng thương phẩm giảm, trong khi giá thức ăn và phụ phí cho chăn nuôi luôn giữ mức cao. Thêm vào đó, thông tin một số hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm dùng để “tạo nạc” trên heo, cá điêu hồng nhiễm chất cấm,… đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất của nông dân.

Một số hộ nuôi tôm chưa có ý thức cao trong việc sản xuất theo cộng đồng, khi tôm nuôi bị nhiễm bệnh không báo cơ quan chức năng, không xử lý mầm bệnh mà xổ xả trực tiếp ra môi trường tự nhiên làm dịch bệnh nhanh chóng lây lan. Bên cạnh đó một số kênh cấp, kênh thoát đã bồi lắng cũng gây khó khăn cho hoạt động nuôi tôm. Giá bán tôm thương phẩm không ổn định, giá tăng cao ở đầu vụ, cuối vụ và giảm mạnh vào chính vụ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nuôi.

Giá xăng dầu, nhiên liệu phục vụ cho khai thác hải sản liên tục tăng gây ra nhiều khó khăn cho khai thác hải sản. Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế, chủ yếu bảo quản bằng nước đá, giá bán hải sản không ổn định,… nên lợi nhuận mang lại cho ngư dân chưa cao.

Tạo chuyển biến tích cực trong năm 2013

Năm 2013 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ IX, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Vì vậy, đây là năm có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng phải có bước chuyển biến để tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra đến năm 2015.

Trên cơ sở này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra chỉ tiêu cho năm 2013 là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp, trọng tâm là công tác giống, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm; cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến và hình thành chuỗi giá trị kết nối với các vùng, cả nước đối với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như: lúa gạo, trái cây, tôm và thủy sản,…

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật sau thu hoạch để giảm tổn thất sau thu hoạch và cải thiện chất lượng sản phẩm. Chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh các loại cây trồng và gia súc, gia cầm, thủy sản; công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp, phát triển nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản,… Duy trì tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ở mức 4,5-5,0 %; phấn đấu giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5,0-5,5 %.

 

Thành Công
Tin liên quan