Sáng ngày 15/12/2012, Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ Vật lý, chuyên ngành Vật lý địa cầu cho nghiên cứu sinh Nguyễn Xuân Thành (Phó phòng quản lý khoa học - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang), với đề tài "Xây dựng bản đồ điện trở suất của đất đá trầm tích tỉnh Tiền Giang bằng công nghệ GIS". | |
Ông Nguyễn Văn Re, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TG tặng hoa cho tân Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành. |
Hiện nay, vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh rất cần có nguồn dữ liệu về các diễn biến tài nguyên thiên nhiên, để từ đó xây dựng định hướng quy hoạch khai thác một cách bền vững, quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đi đôi với bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn. Song song, các hoạt động công nghiệp hóa, sự gia tăng dân số, quá trình mở rộng đô thị kéo theo nhu cầu gia tăng xây dựng nhà cửa, kết cấu hạ tầng,... đòi hỏi cần làm rõ cấu trúc địa chất, tiềm năng nước dưới đất, sự phân bố các vùng đất yếu, phục vụ cho việc quy hoạch khai thác nước dưới đất, xây dựng công trình,... Cho nên, việc xây dựng bản đồ điện trở suất của đất đá các lớp địa chất trầm tích nhằm góp phần minh giải một cách đầy đủ đặc điểm địa chất trầm tích tỉnh Tiền Giang là một việc làm cần thiết. Qua các bài toán ứng dụng trên cơ sở phân tích bản đồ điện trở suất được thực hiện trong luận án gồm: Phân vùng mặn nhạt nước dưới đất tỉnh Tiền Giang; Xây dựng mô hình cấu trúc phân lớp địa chất theo tuyến phục vụ xây dựng công trình huyện Cai Lậy; sẽ giúp cho các cơ quan quản lý, các đơn vị chuyên môn tại địa phương có cơ sở khoa học để hoạch định chiến lược khai thác tài nguyên một cách tối ưu, nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu toàn cầu.
Mục tiêu của luận án là thu thập các số liệu đo sâu điện đã có trên địa bàn của tỉnh, hình thành cơ sở dữ liệu điện trở suất và tiến đến xây dựng các lớp bản đồ điện trở suất đất đá trầm tích tỉnh Tiền Giang bằng công nghệ GIS.
Ngoài việc hình thành Cơ sở dữ liệu điện trở suất của 7 tầng đất đá trầm tích tỉnh Tiền Giang (Holocen, Pleistocen trên, Pleistocen giữa trên, Pleistocen dưới, Pliocen trên, Pliocen dưới, Miocen trên). Luận án đã xây dựng chương trình ứng dụng, lập trình bằng ngôn ngữ Visual Basic. Net, ngôn ngữ truy vấn SQL, thực hiện trên nền ArcGIS 9.3. Chương trình này giúp cho việc thêm mới, cập nhật, tìm kiếm, thống kê dữ liệu điện trờ suất được dễ dàng, thuận lợi và thường xuyên; qua đó ngày càng làm giàu thêm cơ sở dữ liệu và giúp cho việc nội suy xây dựng bản đồ điện trở suất, giải đoán các bài toán ứng dụng đạt độ tin cậy cao hơn.
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng đề ra các vấn đề độc lập cần nghiên cứu tiếp tục như: Ứng dụng logic mờ trong việc xác định biên (vị trí chuyển tiếp) của các tầng địa chất từ dữ liệu điện trở suất; sự biến đổi giá trị điện trở suất theo thời gian của các tầng Pleistocen, Holocen; bài toán ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và viễn thông.
Hội đồng thống nhất với 100% phiếu tán thành và đề nghị cấp bằng Tiến sĩ Vật lý cho ông Nguyễn Xuân Thành.