Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Trao đổi thêm về việc nên có “Ngày trí thức Việt Nam”
(Ngày đăng: 29/05/2012)
Tác giả bài Tôn vinh trí tuệ và trí thức Việt có đề xuất “dành một ngày trong năm mang tên Ngày trí thức Việt Nam”. Đó là một ý tưởng hay. Có thể sẽ còn có nhiều trao đổi nhằm định hình một hình thức tôn vinh như đã từng có “Ngày thầy thuốc”, “Ngày nhà giáo”, “Ngày doanh nhân”...; nhưng dù dưới hình thức nào chăng nữa thì việc biểu thị thái độ trân trọng trí thức vẫn là một chỉ báo của một xã hội văn minh.

Đây là thời đoạn tri thức có một vị trí đặc biệt, thậm chí xét theo chiều cạnh của đặc điểm kinh tế, đó là vai trò có ý nghĩa quyết định. Ý nghĩa ấy không do người trí thức vỗ ngực tự xưng, mà là do tính chất của nền sản xuất xã hội quy định. Chẳng thế mà cuộc cạnh tranh giành giật hiện nay không phải chỉ là giành giật các nguồn tài nguyên khoáng sản, mà chủ yếu là giành quyền sở hữu trí tuệ. Đúng hơn, sở hữu những con người có trí tuệ mà những sáng tạo của nó đem lại nguồn của cải vô tận cho xã hội.

Mà thật ra không phải đợi đến hôm nay, vai trò của người trí thức mới được xem trọng. Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Lê, chép chiếu chỉ của Lê Thái Tổ về tiến cử hiền tài: “Nay trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng bờ vực thẳm, chỉ vì chưa tìm kiếm được người hiền tài giúp đỡ trị nước... Nhân tài ở đời cố nhiên là không ít, nên đường lối tìm người cũng không phải chỉ có một phương... Khi chiếu này ban ra, các quan hãy đem hết lòng thành, lo việc tiến cử.

Còn như kẻ hàn vi ở chốn hương thôn, cũng chớ cho thế là phải đem ngọc bán rao mà hổ thẹn, để trẫm phải thở than vì thiếu nhân tài”. Nhìn vào lẽ thịnh suy của những triều đại trong lịch sử, chỉ những hôn quân, bạo chúa mới đốt sách và đàn áp trí thức; chỉ ở vào ngày tàn, một triều đại mới bạc đãi kẻ sĩ và dung dưỡng gian thần. Mọi người đều biết ông cha ta đã trân trọng và ra sức hun đúc, đào luyện hiền tài - vốn được xem là “nguyên khí quốc gia” - như thế nào. Công luận nhìn vào đó mà luận suy về thời cuộc, về lẽ hưng phế của một triều đại, một chế độ chính trị. Thậm chí là căn cứ để phán đoán về một chính khách tầm cỡ, một nhân vật lãnh đạo dày dạn.

Ngày nay giai cấp công nhân để có thể đi tiên phong trong sự nghiệp phát triển đất nước, bản thân giai cấp công nhân cũng phải trở thành người có học thức, trở thành trí thức. Đảng lãnh đạo muốn duy trì và nâng cao vai trò lãnh đạo của mình cũng phải là Đảng của trí tuệ, không thế, Đảng không thể là người “soi đường chỉ lối cho nhân dân ta vững bước trên con đường thắng lợi”.

Vấn đề đặt ra chính là vai trò của tri thức và người trí thức thì ai cũng biết, nhưng bản lĩnh trọng dụng trí thức, lắng nghe từ họ, những trí thức đích thực, ý tưởng có ý nghĩa tỉnh thức thì không phải ai cũng có được. Bởi lẽ theo Karl Marx, “trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu. Không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào”. Cho nên “trí thức là người từ chối, dù phải trả với giá nào, những công thức dễ dãi, những tư tưởng nhàm cũ... họ công khai nói lên tiếng nói của họ” (Edward Said).

Khi mà Bác Hồ chân thành bày tỏ trước quốc dân vào những ngày chính quyền cách mạng còn trong trứng nước (tháng 11-1946): “E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận” thì chính là Người đã hiểu rất rõ về những phẩm tính ấy và về vai trò của những bậc tài đức! Phải có cái tâm vì nước vì dân và cái tầm nhìn của người lãnh đạo biết rõ ngọn nguồn sức mạnh của mình được dồn góp và chưng cất từ trí tuệ và khát vọng của quần chúng nhân dân, mới dám nhận lấy cái lỗi “nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân”.

Xem ra tôn vinh tri thức, trọng dụng trí thức vốn là chuyện muôn đời và càng là chuyện lớn hôm nay.

Tương Lai, tuoitre.com.vn
vusta
Tin liên quan