Ngày nay, khi đời sống xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu cây, con dùng để làm cảnh ngày càng tăng. Để phục vụ thị trường, nghề nuôi cá cảnh cũng nhanh chóng phát triển khắp thành thị cho tới nông thôn và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đa số người nuôi cá cảnh đều làm theo phong trào, phát triển nghề theo kiểu vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm nên chưa nắm được các đặc tính sinh trưởng của cá, dẫn đến khả năng bị dịch bệnh là rất cao. | |
Cần thực hiện nhiều biện pháp phòng bệnh để cá phát triển tốt và có màu sắc đẹp (ảnh: cá bạch tượng được tiêm màu chuẩn bị xuất bán tại bể cá cảnh ở phường 5, Tp Mỹ Tho) |
Những yếu tố gây bệnh cho cá
Cá cảnh rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường nước nên có thể nói nước bể nuôi là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng cá cảnh. Nếu môi trường nước sạch, các chỉ số thủy lý hóa phù hợp thì cá sẽ phát triển tốt, ít dịch bệnh; ngược lại cá sẽ phát bệnh ngay, thậm chí không cứu kịp và gây thiệt hại nặng cho người nuôi.
Chất lượng nước trong quá trình nuôi thay đổi thường là do sự phân hủy thức ăn dư thừa hay phân cá làm môi trường nước bị ô nhiễm, các phiêu sinh động vật và tảo phát triển làm môi trường thiếu oxy, pH nước thay đổi bất lợi cho cá. Sự thay đổi đột ngột nhiệt độ nước hay nhiệt độ vượt mức giới hạn chịu đựng của cá cũng là nguyên nhân khiến cá cảnh bị bệnh.
Thức ăn cho cá có chất lượng không đảm bảo, bị ôi thiu, thành phần dinh dưỡng không đáp ứng nhu cầu sinh trưởng của cá, hay cho ăn không đủ no cũng làm cho cá yếu, dễ bị dịch bệnh tấn công. Các loại thức ăn tươi cho cá như: artemia, trùn chỉ, cung quăng... cũng có thể gây nguy hiểm cho cá nếu không qua xử lý vì chúng mang nhiều mầm bệnh.
Việc bắt cá, thay nước không đúng kỹ thuật cũng có thể làm cho cá bị tuột nhớt, bị xây sát khiến cá bị yếu, dễ bị dịch bệnh tấn công. Ngoài ra, còn có nhiều tác nhân khác có thể gây bệnh cho cá như: bể cá dơ, các loài thực vật thủy sinh trong hồ mang mầm bệnh, bể cá cũ không được sát trùng trước khi nuôi mới, cá cảnh chưa qua xử lý mà thả nuôi chung với cá cũ…
Biện pháp phòng bệnh cá
Trước hết, chọn nguồn nước có chất lượng tốt để cấp cho bể nuôi, và phải qua xử lý để đưa các yếu tố nhiệt độ, pH vào ngưỡng phát triển thích hợp cho cá. Nước trước khi thả cá cần phải phơi nắng để diệt vi khuẩn và thoát khí độc. Đối với nước giếng thì cần phơi nắng khoảng 12 giờ là có thể thả cá, nhưng đối với nước thủy cục thì cần phải phơi nắng trên 1 ngày.
Không được thả cá với mật độ quá cao và nhiều loài trong cùng một bể nuôi. Thường xuyên theo dõi, vệ sinh bể cá, nhất là đáy bể vì phân cá tồn trữ lâu ngày là nguồn lây nhiễm bệnh cho cá. Trong trường hợp thêm nước hay thay nước mới, cần phải chọn nguồn nước có các chỉ số thủy lý hóa tương đồng với nước trong bể, nhất là các yêu tố nhiệt độ, pH. Cần duy trì sự chênh lệch nhiệt độ nước trong bể nuôi giữa ngày và đêm không vượt quá 50C.
Cần chủ động tìm nguồn thức ăn tươi sống, đủ chất dinh dưỡng cho cá ăn để cá sinh trưởng, phát dục tốt đồng thời giúp cá có màu sắc đẹp mắt. Đối với các loại thức ăn tươi có nguồn gốc từ các cống, rảnh như: cung quăng, trứng nước thì cần rửa sạch trước khi cho cá ăn.
Khẩu phần thức ăn hàng ngày của cá cần xác định dựa vào khối lượng cá có trong bể, tình hình sức khỏe cá, tránh tình trạng cho ăn dư thừa. Cần có lịch thời gian cho cá ăn cụ thể cũng như định lượng thức ăn trong mỗi lần cho ăn (có điều chỉnh theo thời tiết, mùa vụ), không nên cho ăn theo cảm tính khi nhiều khi ít. Khi sang bể, bắt cá kiểm tra cần thao tác nhẹ nhàng, dùng vợt mềm xúc cá, tránh gây xây sát cho cá.
Khi chuẩn bị cho lứa cá mới cần phải sát trùng toàn bộ bể nuôi bằng cách phơi nắng đến khi khô đáy bể. Sau đó, dùng vôi sống quét khắp mặt trong và ngoài bể đối với bể xi măng; đối với ao đất, có thể sát trùng ao nuôi bằng vôi bột với liều lượng 10 kg/100 m2; đối với ao bằng xi măng có thể dùng clorua vôi (Ca(ClO)2) tạt xuống ao với liều lượng 20-25 ppm (20-25 gram/m3) ngâm trong một tuần, sau đó rửa sạch bể lấy nước vào.
Dụng cụ vớt cá, chứa cá cần được sát trùng, vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng. Người nuôi có thể sát trùng dụng cụ bằng cách ngâm trong dung dịch muối 3% (30g/lít nước) hay clorin nồng độ 200 - 250 ppm trong 48 giờ rồi phơi khô. Cá mới mua về cũng cần ngâm trong nước muối 3‰ (3 gram/lít nước) hay dung dịch thuốc tím nồng độ 10 ppm (10mg/lít nước) trong 10 - 15 phút để diệt khuẩn cho cá.
Trong quá trình nuôi, cần theo dõi sát tình hình sức khỏe của cá. Nếu thấy cá có biểu hiện bất thường cần lập tức vớt cá ra riêng, tránh để bệnh lây lan. Sau đó cần nhanh chóng xác định loại bệnh để có biện pháp phòng trị thích hợp. Chú ý, khi cá đã trị khỏi bệnh vẫn có thể còn mang mầm bệnh trong cơ thể nên không thể thả cá ngay vào bể nuôi chung mà cần phải theo dõi riêng 3-4 ngày để tránh lây bệnh cho cá khác.