Tháng 9 ở đồng bằng sông Cửu Long vào cao điểm mùa lũ lụt. Trên dòng sông Tiền chảy qua địa phận huyện Cai Lậy cùng hệ thống các chi lưu của nó, nước từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn, màu nước đỏ ngầu phù sa như dự báo một mùa lũ mới có thể lớn bất thường. Các năm trước, trước hiện tượng thiên nhiên như thế, dân miệt vườn Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước những huyện phía Tây tỉnh nằm trong vùng trọng điểm lũ lụt, đã phải cuống cuồng lo chằng chống nhà cửa, lo kê kích tài sản, thu gom sản vật đề phòng phải chạy lũ mà thiệt hại cho đời sống, sản xuất thật khó lường. | |
Ông Lê Văn Hai, cư ngụ tại ấp Mỹ Thạnh A, xã Long Tiên, Cai Lậy, Tiền Giang |
Năm nay, tình trạng trên gần như không xảy ra nhờ có hệ thống đê bao ngăn lũ được kiện toàn, bà con tổ chức sản xuất "né lũ" cùng những giải pháp khai thác tốt tiềm năng, lợi thế thiên nhiên theo hướng "chung sống với lũ" hiệu quả. Mô hình lập vườn chuyên canh sầu riêng chất lượng cao của ông Lê Văn Hai, cư ngụ tại ấp Mỹ Thạnh A, xã Long Tiên, Cai Lậy đã cho thấy sự năng động, nhạy bén của người nông dân trong việc khắc phục thiên tai, xác định hướng đi đúng đắn trong điều kiện khó khăn nhằm ổn định cuộc sống và an cư lạc nghiệp.
Ông Lê Văn Hai cho biết, ở miệt vườn Long Tiên (Cai Lậy), ông là một trong những người tiên phong lập vườn trồng chuyên canh sầu riêng. Sở dĩ ông chọn cây trồng này bởi giá trị kinh tế cao, thích hợp với thổ nhưỡng và trình độ canh tác của bà con. Tuy nhiên, cái khó là đất trũng thấp, mỗi năm đến mùa lũ nước ngập lai láng, cây ăn quả chết gần hết bởi thiếu hệ thống đê bao và các công trình phòng chống lũ lụt. Bản thân ông đã từng chuốc nhiều thất bại nặng nề. Đơn cử như trận lũ lịch sử năm 2000 nhấn chìm vườn cây sầu riêng, gia đình ông mất trắng. Thế nhưng không vì vậy mà người nông dân ham học hỏi, nhạy bén trên con đường lập thân lập nghiệp nản chí.
Có một bước ngoặt trong sản xuất ở huyện Cai Lậy là đúc kết từ thiệt hại do trận lũ 2000, địa phương tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và Trung ương triển khai hai dự án lớn bảo vệ vườn cây ăn trái vùng ngập lũ: ô bao Đông và Tây sông Ba Rài. Đất đai Long Tiên trong đó có vườn cây của ông Lê Văn Hai rộng 4.000 m2 được bảo vệ bởi ô bao Đông sông Ba Rài. Cơ hội lớn ngàn năm một thuở cho việc chuyển đổi sản xuất trong vùng ngập lũ, ông Hai cải tạo lại khu vườn và tiếp tục trồng chuyên canh sầu riêng, giống Ri 6 và Mong Thong hai giống sầu riêng chất lượng cao ngon nổi tiếng tại các tỉnh phía Nam.
Theo ông Lê Văn Hai, muốn trồng thành công sầu riêng nói chung đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật từ qui hoạch, trồng, chăm sóc và xử lý để cây cho trái. Cụ thể, với 4 công đất (4.000 m2) ông trồng được khoảng 80 cây sầu riêng giống Mong Thong và Ri6 với qui cách mỗi cây cách nhau 8 m. Nhờ chăm sóc tốt, chế độ phân bón và tưới tiêu phù hợp, sau 4 năm tuổi cây sầu riêng đã cho trái chiến (trái bói) và qua tuổi thứ 5 đã có thể xử lý để cây cho trái theo ý muốn. Những năm sau, tuổi cây càng lớn thì năng suất càng cao. Những vườn cây 5 - 7 năm tuổi như vườn của ông Lê Văn Hai cho năng suất bình quân đạt 15 - 20 tấn/ha.
Sầu riêng mỗi năm cho một mùa trái chính vụ thường thu hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 5 âl. Thời gian này do đụng với sầu riêng miền Đông Nam bộ và các khu vực khác nên hay bị mất giá. Để đạt năng suất cao vừa bán được giá, ông Hai chủ động xử lý để vườn sầu riêng ra trái vào mùa nghịch. Cách xử lý cũng không khó nếu chú tâm học tập qua các lớp tập huấn khuyến nông, qua tài liệu kết hợp với kinh nghiệm sản xuất hiệu quả nhiều năm liền. Nguyên tắc chung là sau khi thu hoạch xong vụ trước bón phân, chăm sóc cho cây hồi phục để chuẩn bị cho vụ sau. Đến tháng 6 - 7 âl hàng năm bắt đầu đậy mủ nylon kín gốc và bơm xiết nước ra sông để vườn sầu riêng luôn khô ráo, kết hợp xử lý bằng thuốc bảo vệ thực vật. Xử lý thời điểm này, sầu riêng sẽ cho thu hoạch từ tháng 11 âl đến tháng giêng âl - thời điểm bán được giá rất cao. Sầu riêng vụ nghịch năm trước có lúc đạt giá cao kỷ lục 30.000 - 35.000 đ/kg.
Nắm vững kỹ thuật thâm canh nên liên tiếp các năm qua ông Lê Văn Hai đều trúng sầu riêng. Ông hạch toán cho thấy, trung bình mỗi năm, gia đình ông đạt lợi nhuận 160 - 180 triệu đồng từ 4 công đất trồng sầu riêng, tính ra mỗi ha cho thu nhập gần nửa tỉ đồng. Nhờ nhạy bén chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa bấp bênh sang lập vườn trồng chuyên canh sầu riêng chất cao, từ chỗ gieo neo, vất vả quanh năm "bán lưng cho trời, bán mặt cho đất", ông Lê Văn Hai trở thành điển hình về nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của địa phương.
Cũng nên nói thêm, sầu riêng là một trong 7 loại cây ăn quả chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Thế mạnh của cây trồng này là năng suất cao, chất lượng tốt, được ưa chuộng trên thị trường. Nhờ cây trồng này mà rất nhiều nông dân vùng ngập lũ - trong đó có vai trò đi tiên phong của ông Lê Văn Hai đã an tâm an cư lạc nghiệp, làm giàu cho nông hộ trong điều kiện sản xuất cực kỳ khó khăn. Hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Long Tiên, địa phương đã mở rộng diện tích trồng sầu riêng chuyên canh theo mô hình của ông Lê Văn Hai lên trên 1.300 ha và là một trong những xã trọng điểm về chuyên canh sầu riêng của tỉnh Tiền Giang.