Sau khi hai nhà du hành Neil Armstrong và Buzz Aldrin bước trên mặt trăng vào năm 1969, 10 người khác đã tiếp tục đổ bộ lên thiên thể này. Phần lớn số họ vẫn sống tới ngày nay. | |
1. Neil Armstrong (sinh năm 1930)
Ông chỉ huy tàu Apollo 11 trong chuyến đổ bộ lên mặt trăng vào năm 1969, rời khỏi NASA vào năm 1971 để giảng dạy tại Đại học Cincinnati ở Mỹ. Armstrong tham gia vào hội đồng quản trị của nhiều công ty điện tử. Ngày 25/8/2012, Armstrong qua đời ở tuổi 82. Ảnh: AP. |
2. Buzz Aldrin (sinh năm 1930)
Aldrin điều khiển khoang đổ bộ mặt trăng của tàu Apollo 11 và là người thứ hai đặt chân lên mặt trăng. Ông cũng rời NASA vào năm 1971 và quay trở lại không quân. Với khả năng viết, Aldrin xuất bản nhiều cuốn sách về vũ trụ như "Return to Earth" (Trở về trái đất) và "Men from Earth" (Những người từ trái đất). Ngoài ra ông cũng thường xuyên giảng dạy và diễn thuyết. Ảnh: NASA. |
3. Charles "Pete" Conrad (sinh năm 1930)
Conrad chỉ huy phi hành đoàn trên tàu Apollo 12 trong chuyến đổ bộ lên mặt trăng vào ngày 19/11/1969. Sau khi rời khỏi NASA và hải quân vào năm 1973, ông làm việc cho tập đoàn Truyền hình và Truyền thông Mỹ. Ông qua đời vào ngày 8/7/1999 do một vụ tai nạn giao thông ở tuổi 69. |
4. Alan L. Bean (sinh năm 1932)
Bean bay lên mặt trăng cùng Conrad vào năm 1969. Phi hành gia này tập lái máy bay khi ông mới 17 tuổi và vẫn còn là học sinh. Sau chuyến bay tới mặt trăng, ông trở thành chỉ huy thứ hai của Skylab, trạm không gian đầu tiên của Mỹ. Ông rời khỏi hải quân Mỹ vào năm 1975 song vẫn tiếp tục làm việc cho NASA tới tận năm 1981. Sau khi nghỉ hưu, ông trở về nhà tại thành phố Houston, bang Texas để vẽ tranh. Nội dung chủ yếu trong các tranh của Bean là những cuộc đổ bộ lên mặt trăng. Ảnh: si.edu. |
5. Alan Shepard (sinh năm 1923)
Được giao trọng trách chỉ huy tàu Apollo 14 trong chuyến bay tới mặt trăng vào tháng 1/1971, Shepard là phi hành gia đầu tiên đánh golf trên mặt trăng. Ông rời khỏi NASA vào năm 1974 và mở công ty riêng để phân phối bia và kinh doanh bất động sản ở thành phố Houston, bang Texas. Nhờ tài kinh doanh mà ông trở thành một triệu phú. Ông qua đời vào năm 1998. Ảnh: NASA. |
6. Edgar D. Mitchell (sinh năm 1930)
Là người điều khiển module đổ bộ lên mặt trăng của tàu Apollo 14 vào năm 1970, Mitchell đã bước trên một vùng cao của mặt trăng trong 9 giờ. Chuyến bay cùng Apollo 14 là chuyến bay trong vũ trụ duy nhất của Mitchell. Ông rời NASA vào năm 1972 và nhận bằng tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học. Một năm sau ông thành lập Viện Khoa học lý trí để nghiên cứu và tài trợ nghiên cứu về các vấn đề thuộc tinh thần của con người. Ảnh: NASA. |
7. David Scott (sinh năm 1932)
Scott bay lên mặt trăng với tư cách là chỉ huy tàu Apollo 15 từ ngày 26/7 tới 7/8 năm 1971. Đây là cuộc đổ bộ gần núi đầu tiên của con người trên mặt trăng. Sau chuyến bay ông giữ chức giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bay của NASA từ năm 1975 tới năm 1977. Từ năm 1977 tới nay ông làm bình luận viên, nhà tư vấn làm phim, viết sách. Ảnh: NASA. |
8. James B. Irwin (sinh năm 1930)
Trong lần đầu tiên sử dụng xe có bánh trên mặt trăng, Irwin cùng Scott, chỉ huy tàu Apollo 15, đã tìm thấy viên đá có niên đại 4 tỷ năm. Cùng nhờ chiếc xe mà hai phi hành gia đi xa khỏi module đổ bộ hơn các nhà du hành từng đặt chân lên mặt trăng trước đó. Sau khi rời NASA vào năm 1972, ông thành lập một tổ chức tôn giáo mang tên Quỹ High Flight tại thành phố Colorado Springs, Colorado. Ông qua đời vì bệnh tim vào ngày 8/8/1991. Ảnh: NASA. |
9. John Young (sinh năm 1930)
Young là một trong những phi hành gia làm việc lâu nhất và bay nhiều nhất trong chương trình thám hiểm vũ trụ của Mỹ. Ông bay tới mặt trăng hai lần, trong đó lần đầu diễn ra vào tháng 4/1970 và với tàu Apollo 13. Tuy nhiên, NASA yêu cầu phi hành đoàn không đáp xuống mặt trăng do lo ngại rủi ro. Sau đó Young trở lại mặt trăng bằng tàu Apollo 16 vào tháng 4/1972. Trong chuyến bay này, NASA cũng suýt ra lệnh hủy việc đổ bộ. Ngoài ra Young còn là người duy nhất bay vào vũ trụ 6 lần và là nhà du hành duy nhất bay quanh mặt trăng một mình. Sau 42 năm làm việc tại NASA, Young nghỉ hưu vào năm 2004. Ảnh: NASA. |
10. Charles M. Duke (sinh năm 1935)
Duke điều khiển module đổ bộ lên mặt trăng trong chuyến bay của tàu Apollo 16 vào tháng 4/1972. Trong lần đổ bộ đó, các phi hành gia đã lắp đặt thiết bị dò bức xạ vũ trụ đầu tiên trên mặt trăng. Hiện tại Duke là chủ tịch hội đồng quản trị của Quỹ Học bổng Phi hành gia. Ảnh: NASA. |
11. Eugene A. Cernan (sinh năm 1934)
Cernan từng bay vào vũ trụ ba lần và bay tới mặt trăng hai lần. Trong lần đầu bay tới mặt trăng vào năm 1969 cùng tàu Apollo 10, vào tháng 5/1969 ông cùng hai đồng nghiệp không đáp xuống mặt trăng. Chuyến bay này được thực hiện để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của tàu Apollo 11. Tới tháng 12/1972, ông trở lại mặt trăng với vai trò chỉ huy tàu Apollo 17. Ảnh: NASA. |
12. Harrison Hagan Schmitt (sinh năm 1935)
Nhà địa chất Schmitt là một trong hai phi hành gia cuối cùng bước trên mặt trăng vào năm 1972 sau khi bay tới vệ tinh của trái đất cùng tàu Apollo 17. Trong số 12 người từng bước trên mặt trăng, ông là người duy nhất không phải là phi công quân đội. Vào tháng 8/1975, ông rời NASA và chạy đua vào thượng viện tại bang New Mexico. Ông đắc cử và làm thượng nghị sĩ một nhiệm kỳ. Sau đó ông giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Wisconsin-Madison. Ảnh: NASA. |
Minh Long