Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Cần xây dựng thương hiệu thiết bị cơ khí Việt Nam
(Ngày đăng: 29/05/2012)

Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp, Bộ công nghiệp, xếp khả năng cạnh tranh của các sản phẩm theo 3 nhóm: nhóm có khả năng cạnh tranh, nhóm có khả năng cạnh tranh có điều kiện, và nhóm có khả năng cạnh tranh thấp. Được xếp vào vị trí thứ 6 trong số 19 ngành hàng thuộc nhóm có khả năng cạnh tranh có điều kiện, sản phẩm cơ khí của Việt Nam rất cần các điều kiện mới đủ khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại.

Thiếu bản sắc

Với tổng khối lượng hàng ngàn tấn (500 sản phẩm cơ khí trong danh mục) chủ yếu vẫn là hàng gia công, phần lớn máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất vẫn phải nhập khẩu, khiến ngành cơ khí Việt Nam gần như thiếu “bản sắc”. KS. Lục Tiến Hưng, Công ty cổ phần Việt Mỹ (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) nói: “Chúng tôi muốn thuê các công ty trong nước làm những phụ kiện cơ khí cho sản phẩm điện tử nhưng không tìm ra đối tác...”.

Một thạc sĩ cơ khí ở Trường ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết: “Ngành cơ khí Việt Nam hiện nay phần lớn sản xuất theo công nghệ khép kín, thiếu những địa chỉ làm việc chuyên môn hóa hợp tác với nhau, công nghệ chế tạo còn quá lạc hậu so với cả trong khu vực”.

Ông Đặng Văn Nghìn, phó tổng thư ký Hội cơ khí Việt Nam, chủ tịch Hội cơ khí TP.HCM, góp ý thêm: “Sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước mới chiếm thị phần nhỏ bé trong thị trường nội địa, tham gia xuất khẩu còn nhỏ lẻ, giá trị gia tăng trong tổng giá trị hàng hóa còn thấp, nhìn chung mới đạt trình độ gia công và chế tạo các loại máy công cụ, chế biến nông nghiệp cỡ nhỏ”.

Việc xây dựng thương hiệu bằng chất lượng và giá cả sản phẩm vẫn còn quá khiêm tốn. Tổng công ty cơ khí Sài Gòn (Samco) năm 2000 đã bắt đầu sản xuất các loại xe tải đóng thùng, xe chuyên dụng, xe buýt, xe khách... với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 20%. Một số công ty khác đầu tư sản xuất, lắp ráp ôtô chở hàng hạng nhẹ, hạng trung, ôtô buýt, ôtô khách (từ 40 đến 50 chỗ ngồi). Ngành công nghiệp tàu thủy có những bước phát triển khá mạnh, với nhiều loại tàu du lịch, chuyên dụng, chở container... đã được xuất xưởng. Nhưng trong thực chất những sản phẩm này vẫn chưa phải là “thương hiệu Việt” đích thực, bởi lẽ chỉ ở mức đóng khung và làm nội thất đơn giản, còn các thiết bị phức tạp và nhiều loại máy móc làm nên giá trị của sản phẩm vẫn phải nhập ngoại.

 

Thiết bị ép phun nhựa

Nguy cơ mất thị trường trong nước?

Viện nghiên cứu chiến lược cho rằng, nếu không tập trung đầu tư đúng mức để xây dựng công nghiệp cơ khí chế tạo phát triển, có đủ nội lực hội nhập, chúng ta sẽ mất thị trường trong nước. Không những khó cạnh tranh về chất lượng, sản phẩm cơ khí Việt Nam cũng thiếu cả nguồn cung. Được cho là thị trường tiềm năng, nhưng đến nay sản phẩm cơ khí của Việt Nam vẫn bỏ ngỏ đến 70% nhu cầu nội địa (hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%). Thị trường cơ khí của Việt Nam hiện đạt khoảng 16 tỷ USD/năm và tốc độ tăng trưởng không dưới 20%/năm. Đây là thị trường tiềm năng mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang hướng đến.

Đến nay chúng ta chưa có các hàng rào kỹ thuật đủ mạnh, đủ hiệu lực để bảo vệ các sản phẩm cơ khí trọng điểm, trước hết là ngăn không cho du nhập các sản phẩm có trình độ kỹ thuật và chất lượng thấp.

TS. Lê Phan Hoàng Chiêu, phó giám đốc Trung tâm thiết kế chế tạo thiết bị mới TP.HCM (Neptech) cho rằng, Việt Nam có trên 80 triệu dân, một thị trường lớn cho các sản phẩm cơ khí. Chiến lược phát triển ngành cơ khí dự báo đến năm 2020 ngành này sẽ có khả năng đáp ứng 80% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước và có thể xuất khẩu 15%. Để ngành cơ khí tăng sức cạnh tranh, hạn chế tình trạng nhập siêu như hiện nay các ngành chức năng cần phải có chính sách đầu tư đúng mức cho nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực cơ khí. Ngành công nghiệp phụ trợ cũng phải được đầu tư đến nơi đến chốn, trong đó cần ưu tiên vào các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Việc liên kết phân công chuyên môn hóa và xúc tiến thương mại phải được đẩy mạnh...

LÊ NGUYỄN
khoahocphothong
Tin liên quan