Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Biện pháp giảm thiểu thiệt hại trong nuôi cá tra thương phẩm
(Ngày đăng: 26/08/2012)

Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi cá tra diễn ra ngày càng phức tạp và đã gây ra những tổn thất rất lớn cho người nuôi. Do dịch bệnh, tỷ lệ cá tra bị hao hụt từ khi thả cá giống đến khi thu hoạch bình quân khoảng 20-30% khiến chi phí nuôi gia tăng đáng kể, từ đó làm giảm lợi nhuận của người nuôi cá tra. Vì vậy, nếu làm tốt công tác phòng trị bệnh, nông dân nuôi cá tra có thể thu được lợi nhuận cao hơn hàng trăm triệu đồng trên mỗi hecta ao nuôi.
Người nuôi cá tra cần đặc biệt chú ý đến công tác phòng bệnh để tăng hiệu quả nuôi (Ảnh chụp tại xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang)

Chủ động phòng bệnh

Dân gian thường có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, điều này cũng áp dụng đúng trong hoạt động nuôi cá tra, bởi phòng bệnh thì chi phí rất thấp, cá phát triển nhanh, từ đó làm giảm chi phí, tăng hiệu quả nuôi. Ngược lại, khi cá đã bị bệnh thì chi phí chữa trị rất cao, tỷ lệ cá hao hụt lớn, chưa kể là ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cá nuôi, do đó phòng bệnh là khâu quan trọng nhất.

Để phòng bệnh tốt, trước khi thả nuôi vụ cá mới, người nuôi cá cần thực hiện cải tạo ao nuôi thật kỹ bằng cách nạo vét hết lớp bùn dưới đáy ao, tu sửa lại bờ bọng, dọn sạch cây cỏ bờ ao, phơi đáy ao. Sau đó, người nuôi dùng các loại hóa chất để tẩy dọn nhằm tiêu diệt địch hại, ký chủ trung gian, các loại sinh vật cạnh tranh thức ăn với cá nuôi trong ao.

Nhằm tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, trong quá trình cải tạo ao, người nuôi chỉ nên sử dụng vôi và các sản phẩm từ vôi để diệt khuẩn trong ao. Cụ thể, người nuôi có dùng vôi sống (CaCO3), vôi bột (CaO) hoặc vôi tôi (Ca(OH)2 với liều 10-15kg/100m2 để diệt khuẩn nền đáy ao. Vôi còn có thể dùng định kỳ để sát khuẩn nước ao nuôi định kỳ 2 tuần/lần với liều 2kg/100 m3 nước (ngâm vôi vào nước trong lu, rồi lấy nước trong tạt khắp ao).

Khi thả giống bắt đầu vụ nuôi mới, người nuôi cần chọn mua con giống có nguồn gốc bố mẹ rõ ràng, tốt nhất là nên sử dụng con giống đã được chọn lọc có chất lượng cao ở các Trung tâm giống thủy sản và các cơ sở sản xuất, ương cá tra giống có uy tín. Đặc biệt, tất cả con giống chọn mua phải có chứng nhận kiểm dịch đạt yêu cầu của cơ quan thú y.

Khi vận chuyển con giống về ao nuôi, người nuôi cá có thể dùng các biện pháp xử lý để hạn chế đến mức thấp nhất mầm bệnh trong cá giống. Lúc này, người nuôi có thể dùng dung dịch các chất sau để tắm cá như: CuSO4.5H2O (phèn xanh) với liều lượng 2-5 ppm (1ppm bằng 1mg/lít) trong 10-15 phút, muối ăn (NaCl) 3-5% trong 3-5 phút hoặc Formalin với liều 200-300 ppm trong 15-20 phút. Cá nuôi trong ao không nên thả với mật độ quá dày do khó quản lý, cá dễ bị mầm bệnh tấn công, tỷ lệ cá hao hụt rất cao. Mật độ cá thả nuôi tốt nhất cho các vùng nuôi cá tra thâm canh khoảng 20 - 40 con/m2.

Hoạt động cho cá ăn phải được quản lý chặt chẽ, tránh để thức ăn dư thừa gây ô nhiễm môi trường đồng thời làm tăng giá thành nuôi cá. Thức ăn cho cá phải đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của cá. Khi cá có dấu hiệu bệnh nên giảm lượng thức ăn, thậm chí có thể giảm tới 50% lượng thức ăn so với lúc bình thường. Chất lượng nước trong ao nuôi phải được quản lý thật tốt, tránh để xảy ra hiện tượng các yếu tố thủy lý hóa biến động lớn và nhiễm bẩn nước ao nuôi.

Trong quá trình nuôi cá, nếu buộc phải sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh trong phòng trị bệnh, người nuôi cá phải tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn kỹ thuật, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm có chứa hoạt chất Trifluralin, Enrofloxacin trong quá trình nuôi với bất kỳ mục đích sử dụng nào. Người nuôi cũng cần tăng sức đề kháng của  nuôi bằng cách định kỳ bổ sung Vitamin C, nhất là vào thời điểm giao mùa.

Các loại dụng cụ dùng trong quá trình nuôi cá phải được sát trùng cẩn thận trước khi sử dụng. Nếu không đủ dụng cụ dùng riêng cho từng ao, người nuôi cá phải có biện pháp sát trùng dụng cụ trước khi dùng cho ao khác. Hóa chất dùng để sát trùng dụng cụ có thể sử dụng là dung dịch Clorua vôi (Ca(OCl)2) với nồng độ sử dụng 200ppm ngâm dụng cụ ít nhất 1 giờ và rửa lại bằng nước sạch trước khi sử dụng

Khi thời tiết tiết trở lạnh, nhất là những ngày mưa bão, người nuôi cá cần theo dõi kỹ hoạt động bắt mồi của cá, đi đôi với việc giảm lượng thức ăn và cho cá ăn vào thời điểm nhiệt độ nước ao có sự cân bằng (lúc 8-9 giờ sáng và 4-5 giờ chiều). Trong trường hợp, ao cá phải hút bùn đáy ao, người nuôi cần xử lý cho nước ao trong trở lại mới cho ăn, vì khi nước đục cá bắt mồi kém, dẫn đến giảm sức khoẻ cá nuôi, tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể cá.

Điều trị thích hợp

Khi cá có biểu hiện bất thường, người nuôi cần đem cá ngay tới phòng xét nghiệm bệnh thủy sản gần nhất để xác định nguyên nhân gây bệnh và được tư vấn biện pháp trị bệnh hiệu quả nhất. Người nuôi không nên đem cá bệnh đến các cửa hàng thuốc thú y nói chứng để mua thuốc về điều trị cho cá vì hiệu quả chữa trị lúc này theo kiểu “hên xui”, mất tiền nhưng hiệu quả không cao.

Điều này có thể nói như vậy là bởi nguyên nhân gây bệnh trên cá thường do ký sinh trùng hay các loại vi khuẩn gây ra. Nếu không xem xét kỹ, người nuôi có thể lầm lẫn giữa hai tác nhân gây bệnh này, trong khi cá bệnh do ký sinh trùng phải điều trị bằng hóa chất, còn nếu do vi khuẩn thì phải chữa trị bằng kháng sinh. Đó là chưa kể tình trạng lờn thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh cá hiện nay là rất phổ biến.

Hiện nay, hầu như các loại kháng sinh điều trị bệnh cá đang sử dụng tại các vùng nuôi cá tra đều đã bị kháng thuốc (không còn hiệu quả điều trị bệnh do vi khuẩn) do người nuôi cá (từ cá giống đến cá thịt) sử dụng kháng sinh không đúng cách, đúng liều tạo ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc. Do vậy, người nuôi cá cần đem mẫu cá bệnh đến phòng kiểm nghiệm bệnh thủy sản để các kiểm nghiệm viên kiểm tra các loại ký sinh trùng và làm kết quả kháng sinh đồ. Nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, các kiểm nghiệm viên sẽ cho biết kết quả chính xác là loại kháng sinh nào điều trị hiệu quả nhất.

Lưu ý, ao cá nuôi khi phát hiện bệnh phải lập tức thực hiện cách ly hoàn toàn với các ao khác, đồng thời khử trùng toàn bộ dụng cụ nuôi và xử lý triệt để xác cá chết trong quá trình nuôi (vớt hết cá bệnh, cá chết khỏi ao xử lý bằng cách nấu chín hay chôn hủy). Việc điều trị bằng kháng sinh phải dùng liên tục 5-7 ngày, không nên thấy cá có biểu hiện bệnh giảm là ngưng dùng kháng sinh ngay, vì như vậy sẽ tạo ra những chủng vi khuẩn kháng với loại kháng sinh đang sử dụng, gây khó khăn cho công tác điều trị bệnh sau này.

 
 
Kỹ sư Nguyễn Quang Trí, Chi cục Thủy sản Tiền Giang
Tin liên quan